Nếu bạn là một người yêu thích lịch sử và muốn tìm hiểu về một thời đấu tranh hào hùng, gìn giữ đất nước của dân ta thì các bảo tàng lịch sử ở Sài Gòn sẽ là những điểm đến mà bạn không nên bỏ qua.
Nội dung chính
Đến với những bảo tàng này, bạn sẽ được sống lại những năm tháng lịch sử của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ, giúp bạn thêm phần trân trọng nền độc lập của Tổ quốc.
Bảo tàng Thành Phố Hồ Chí Minh được xem là một trong những bảo tàng đẹp nhất và nên đi nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bảo tàng có diện tích gần 1700m2, được xây vào cuối thế kỉ thứ 19 và có quá trình xây dựng trong 5 năm. Nơi đây được thiết kế như một dinh thự lớn mang phong cách kiến trúc tân cổ điển của Pháp với những họa tiết điêu khắc cùng chi tiết mái vòm khung cửa vừa hiện đại, vừa cổ kính trong một khuôn viên vườn hoa rộng rãi, thoáng đãng.
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Hình: Sưu tầm
Không chỉ kiến trúc độc đáo và lạ mắt, Bảo tàng Hồ Chí Mình còn trưng bày nhiều hiện vật có giá trị và mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Với 9 phòng trưng bày nội dung cố định, mỗi căn phòng sẽ đưa bạn đến một thời kì lịch sử riêng và giúp bạn tìm hiểu trọn vẹn về sự phát triển của thành phố.
Từ phòng trưng bày những công cụ lao động thô sơ, những bức tranh ảnh khảo cổ của bộ lạc và cư dân cổ cách đây hàng ngàn năm đến nhiều hiện vật quý giá gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng cũng như những kỷ vật đã đồng hành cùng các các bộ chiến sĩ trong hơn 30 năm đấu tranh kháng chiến.
Khu trưng bày bên trong bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Hình: Sưu tầm
Ngoài 9 phòng trưng bày cố định, Bảo tàng Hồ Chí Mình còn có phòng trưng bày chuyên đề với nhiều chủ đề đặc biệt, nhà trưng bày triển lãm thành phố cũng như khu vực trưng bày ngoài trời với nhiều loại máy bay và vũ khí,…
Bảo tàng còn là nơi thu hút các bạn trẻ đến chụp hình. Hình: Bùi Quang Thụy
Bảo tàng Lịch Sư Việt Nam được xây dựng năm 1929, là bảo tàng đầu tiên ở Sài Gòn và cả miền Nam Việt Nam. Công trình do kiến trúc sư Pháp Delaval thiết kế và xây dựng theo phong cách kết hợp giữa kiến trúc châu Âu và bản địa, khai thác yếu tố truyền thống và đặc điểm khí hậu địa phương.
Đến năm 1970, bảo tàng được xây dựng thêm một dãy hình chữ U nhà phía sau, ở giữa là hồ nước nhỏ. Dãy nhà xây thêm có gắn đầu rồng trang trí ở các góc mái, hài hòa với kiến trúc ban đầu của công trình.
Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam. Hình: Sưu tầm
Khuôn viên xanh ngát của bảo tàng Lịch Sử Việt Nam. Hình: Sưu tầm
Bên trong bảo tàng có diện tích 3.000 m2, chia làm nhiều phòng với 18 không gian trưng bày. Các phòng thông với nhau ở sảnh chính tại vị trí trung tâm. Đây là một trong những bảo tàng có quy mô trưng bày lớn ở miền Nam với hơn 40.000 hiện vật có nguồn gốc từ nhiều quốc gia, dân tộc.
Hệ thống trưng bày của bảo tàng gồm hai phần chính. Phần đầu trưng bày các hiện vật của lịch sử Việt Nam từ tiền sử đến hết thời nhà Nguyễn, như phòng trưng bày thời Ngô – Đinh – Tiền Lê – lý, phòng trưng bày cổ vật thời Tây Sơn, phòng cổ vật Vương Hồng Sển hay phòng trưng bày áo vua, hoàng hậu thời Nguyễn. Phần còn lại là chuyên đề về văn hóa phía nam Việt Nam và một số nước châu Á, như nền văn hóa Óc Eo, văn hóa cổ đồng bằng sông Cửu Long, văn hóa nghệ thuật Chăm-pa,…
Khu trưng bày bên trong bảo tàng Lịch Sử Việt Nam. Hình: Sưu tầm
Bảo tàng chứng tích chiến tranh tại thành phố Hồ Chí Minh là một bức tranh lớn, sống động về đất nước Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh chống lại Mỹ – Ngụy. Những hiện vật, những hình ảnh còn sót lại như những bằng chứng đanh thép tố cáo tội ác của bọn thực dân xâm lược, đồng thời phản ánh ý chí chiến đấu, chiến thắng để giành lại độc lập dân tộc của nhân dân ta.
Bảo tàng Chứng Tích Chiến Tranh. Hình: Sưu tầm
Bảo tàng gồm 3 tầng, mỗi tầng có chủ đề và những hiện vật riêng. Ở tầng 1 của bảo tàng là phòng bán vé, phòng đa năng, phòng thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến. Một trong những điểm dừng chân nổi bật ở tầng 1 đó chính là “Chuồng cọp” – một kiểu giam giữ của nhà tù Côn Đảo.
Chuồng cọp được coi là một nơi tra tấn khủng khiếp nhất của quân Mỹ đối với những tù nhân yêu nước. Ở đây, những người cộng sản cách mạng yêu nước bị kìm hãm trong những phòng giam chỉ rộng khoảng 5m2, không có giường nằm, hay cửa sổ lớn. Tầng 1 còn là nơi trưng bày những hiện vật lớn như máy bay, xe tăng hay ngọn pháo của những chiến sĩ hay của quân Mĩ trong những ngày tháng chiến tranh.
Nơi trưng bày những hiện vật của chiến tranh. Hình: Sưu tầm
Hai tầng trệt của bảo tàng là thế giới của những hình ảnh, những dốc mốc lịch sử tải hiện lại cả một quãng thời gian lịch sử đầy máu lửa. Với nhiều chủ đề hấp dẫn như Thế giới với chiến tranh ở Việt Nam hay Câu chuyện của những nạn nhân chất độc màu da cam đã khiến biết bao con người phẫn nộ hay đau xót.
Bên ngoài là nơi trưng bày máy bay, trực thăng. Hình: Sưu tầm
Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ từng là nơi tư dinh của thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan – Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia chính quyền Sài Gòn. Tiền thân của bảo tàng là nhà truyền thống phụ nữ Nam Bộ, là nơi trưng bày, giáo dục và tuyên truyền những nét lịch sử về văn hóa của phụ nữ, tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, họp mặt và hội thảo của cả nước.
Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ. Hình: Sưu tầm
Hiện bảo tàng đang quản lý một thư viện với gần 10.000 đầu sách và một khu trưng bày có diện tích 3.162m² gồm 3 tầng với 8 phòng rộng rãi, giới thiệu trên 16.000 hiện vật, hình ảnh và tài liệu, được sắp xếp một cách sinh động theo các chuyên đề: Phong trào phụ nữ – Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Truyền thống phụ nữ Việt Nam; Tưởng niệm Hồ Chủ tịch; Đấu tranh của phụ nữ miền Nam qua hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ (đấu tranh chính trị, binh vận, võ trang, đấu tranh trong nhà tù thực dân đế quốc và công tác ngoại giao của phụ nữ Việt Nam); Trang phục và trang sức của phụ nữ miền Nam; Vai trò của phụ nữ trong các làng nghề truyền thống ở miền Nam; Phụ nữ miền Nam trong đời sống gia đình, lao động sản xuất và sinh hoạt vǎn hóa; Trang phục lễ hội truyền thống của phụ nữ các dân tộc ở miền Nam; Nhà ở của 3 vùng miền Nam: Nhà ở miền Đông, nhà ở miền Tây và nhà ở vùng Cao Nguyên.
Hình ảnh các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hình: Sưu tầm
Đây còn là nơi lưu giữ trang phục của phụ nữ miền Nam. Hình: Sưu tầm
Bảo tàng Chiến Dịch Hồ Chí Minh vừa chính thức được Bộ Quốc Phòng ra quyết định thành lập vào ngày 29/01/2021, sau 34 năm hoạt động trong quy mô Phòng trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh trực thuộc Bảo tàng Quân khu 7. Đây là nơi lưu giữ và tái hiện toàn bộ chiến dịch giải phóng Sài Gòn – hiện diện như một biểu tượng chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Bảo tàng Chiến Dịch Hồ Chí Minh. Hình: Sưu tầm
Toàn bộ bảo tàng được chia làm hai phần: khu trưng bày trong nhà có diện tích mặt bằng 1.000 m2 và khu trưng bày ngoài trời 2.000 m2. Trong đó, khu trưng bày trong nhà có 2 tầng, cấu trúc thành 6 chuyên đề theo dòng thời gian lịch sử của toàn bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh, bao gồm: “Từ Hiệp định Paris tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975”, “Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 3/4/1975)”, “Chiến dịch Huế – Đà Nẵng (từ 5/3 đến 29/3/1975)”, “Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26/4 đến 30/4/1975)”, “Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh” và “Sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn”.
Tái hiện lại hình ảnh các chiến sĩ xưa. Hình: Sưu tầm
Những hiện vật được sử dụng trong thời chiến tranh. Hình: Sưu tầm
Ngoài ra, bên trong bảo tàng còn có một sa bàn điện tử, phòng chiếu phim màn hình 100 inch đặt ở phòng trưng bày trung tâm, tái hiện lại toàn bộ chiến dịch thông qua các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp.
Bảo tàng Lực Lượng Vũ Trang Miền Đông Nam Bộ được chính thức thành lập vào ngày 05/02/1988 và bắt đầu mở cửa đón khách tham quan vào ngày 17/5/1990. Đây là bảo tàng thuộc loại hình lịch sử quân sự, có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, giới thiệu những tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, phản ánh quá trình xây dựng, chiến đấu trưởng thành của quân và dân Quân khu 7 trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bảo tàng Lực Lượng Vũ Trang Miền Đông Nam Bộ. Hình: Sưu tầm
Hiện nay, bảo tàng đang hơn 17.500 hiện vật, tư liệu…gốc của quân, dân miền Đông Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế vẻ vang. Khu trưng bày bên trong gồm có phòng khánh tiết, chuyên đề lực lượng vũ trang Quân Khu 7 trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), lực lượng vũ trang Quân khu 7 trong kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975); lực lượng vũ trang Quân khu 7 trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế (1975 – đến nay). Khu vực trưng bày ngoài trời: giới thiệu về những vũ khí của quân dân miền Đông Nam Bộ đã sử dụng trong 2 cuộc kháng chiến và những vũ khí chiến lợi phẩm thu được của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai. Ngoài ra, phần trưng bày còn tái tạo một số di tích tiêu biểu của miền Đông Nam bộ.
Khu trưng bày bên trong bảo tàng. Hình: Sưu tầm
Khu trưng bày bên ngoài bảo tàng. Hình: Sưu tầm
Trải nghiệm chuyến du lịch tại thành phố mang tên Bác bằng cách ghé thăm những bảo tàng lớn, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử hay ghi lại những hình ảnh mới lạ chắc chắn sẽ để lại cho bạn nhiều dấu ấn khó quên. Hãy cùng Vntrip khám phá ngay những bảo tàng lịch sử này trong chuyến đi sắp tới nhé!
Bình luận
Bài viết mới
Bài viết liên quan