CHUYẾN ĐỘC HÀNH CAO BẰNG 4N5Đ VÀ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ 20 ĐIỂM ĐẾN ĐẸP TỰA TIÊN CẢNH
Chắc chắn đi du lịch cùng gia đình, người yêu, bạn bè sẽ đem lại nhiều điều thú vị và niềm vui. Nhưng không vì vậy mà đi du lịch 1 mình sẽ cô đơn và buồn chán đâu.
Trong chuyến hành trình lần này mình quyết định đến với mảnh đất
Cao Bằng - “viên ngọc xanh” của vùng Đông Bắc. Nơi đây cách Hà Nội 280km, có hệ thống sông, suối dày đặc, núi đồi trùng điệp và phong cảnh thiên nhiên hữu tình khiến bao người say đắm.
𝗟𝗶̣𝗰𝗵 𝘁𝗿𝗶̀𝗻𝗵 (𝟮𝟰 - 𝟮𝟳/𝟭𝟬, ~𝟮𝟬 đ𝗶̣𝗮 đ𝗶𝗲̂̉𝗺)
NGÀY 1 - TRÀ LĨNH: TP
Cao Bằng -
Đèo Mã Phục - Làng hương Phja Thắp - Làng giấy bản - Làng rèn Phúc sen -
Núi Mắt Thần - KDL Sinh thái
Hồ Thang Hen.
NGÀY 2 - TRÙNG KHÁNH: KDL Sinh thái Hồ Thang Hen - Thác Thoong Ma - Núi Mắt rồng Đoài Dương -
Hồ Bản Viết - Thác Cò Là - Ngọc Côn Panorama - Rừng Hạt dẻ - Con nước - Bản Mom Đàm Thủy - Làng đá cổ Khuổi Ky.
NGÀY 3 - TRÙNG KHÁNH: Làng đá cổ Khuổi Ky -
Động Ngườm Ngao -
Chùa Phật Tích Trúc Lâm -
Thác Bản Giốc - Thác Hoa -
Đồi cỏ cháy Vinh Quý - TP Cao Bằng.
NGÀY 4 - BẢO LẠC: TP
Cao Bằng -
Khu di tích Pác Bó - Đèo Khau Cốc Chà - TP Cao Bằng - Hà Nội.
Lưu ý: Đường Khau Cốc Chà đang làm ngổn ngang (có nổ mìn), đồi Vinh Quý thì cấm đến tháng 12/2023 nên không khuyến khích đi 2 điểm này.
𝗗𝗶 𝗰𝗵𝘂𝘆𝗲̂̉𝗻
- Hà Nội <-> Cao Bằng: Nhà xe Thanh Ly, Vĩnh Dũng, Hạnh Thuyên, Hiệp Giang, 42, Khánh Hoàn,... (giá vé 300 - 400k tùy hãng). Mình chọn nhà xe Thanh Ly, loại cabin 24 buồng giá 400k (Loại 34 buồng 3 dãy giá 350k/người/buồng, loại giường nằm 320k/người /giường). Xe xuất bến Mỹ Đình 21h30, chiều về từ Cao Bằng đón lúc 20h30. Giường hạng xe này trang bị loại giường bọc da cao cấp, êm ái, phối màu trắng nâu/xanh sang trọng, tinh tế. Khoang cabin khá rộng, có rèm cửa đem lại không gian riêng tư và kín đáo. Khoang nằm có chăn tuyết nhung, gối cao, kê chân, tích hợp cổng cắm sạc và khay nhỏ để đồ tiện lợi. Chú ý là không được mang balo nặng lên cabin (balo, vali, hàng hóa để ở cốp). Chỉ mang túi nhỏ, cáp sạc và đồ cá nhân quan trọng. Về thái độ tài xế và phụ xe rất nhiệt tình, đúng giờ. Đi cả 2 chiều đều không gặp phải trường hợp to tiếng hay quát mắng khách. Sẽ có người gọi điện, nhắn tin để check lịch với bạn nên hoàn toàn có thể yên tâm.
- Cao Bằng: Mình thuê xe máy ở An Homestay với giá 180k/ngày và có thể nhận xe sớm (4h30 sáng khi nhà xe trả khách đã thấy anh Quang chờ sẵn). Trước đó mình có nói chuyện với anh Quang để book phòng, xe máy và thấy rất cảm mến anh về sự tận tâm, đáp ứng được mọi yêu cầu của khách. Khi gặp anh ở ngoài rồi thì phải nói thật là anh không chỉ đẹp trai mà còn rất thân thiện, trách nhiệm, cẩn thận, take care khách từ A - Z. Thấy mình đói bụng, anh chỉ cho mình hàng bánh cuốn cô Bình ở kế bên ăn cũng rất vừa miệng. Xe của An Homestay đều là xe đời mới, có phòng ngủ nghỉ nếu khách tới sớm. Mình được anh cho đi chiếc xe mới tinh, chạy được 500km. Anh Quang còn chủ động chạy thử xe và buộc hành lý cho mình. Xe có đầy đủ phụ kiện: áo mưa bộ, mũ ¾ có kính, dây chằng, gác baga (bạn có thể mượn anh bơm xe nếu cần). Xe mình đi 4 ngày thấy chạy khỏe, bám đường tốt, không có trục trặc hay hỏng hóc gì.
𝗟𝘂̛𝘂 𝘁𝗿𝘂́
- KDL Sinh thái Hồ Thang Hen: Giá vé tham quan là 30k/khách. Mình có book phòng ở đây nên được miễn phí vé vào. Trước cổng có bảo vệ túc trực nên đảm bảo an ninh. Khu du lịch có rất nhiều dịch vụ để bạn chọn lựa: Tour thám hiểm, tham quan hang động (động Hàm Hương, động Thanh Bình), chèo sup (200k chèo khoảng 1h30p), đi thuyền quanh hồ (250k/chuyến), thưởng thức ẩm thực, cafe, lưu trú (nhà sàn, phòng đôi 350k, phòng ba 550k), glamping,... Sắp tới sẽ có cắm trại trong hang nữa khá thú vị. Sau khi tham quan mình quyết định thuê sup để khám phá hồ và hang động có cái hố sụt bên trong. Tuy nhiên, xui rủi là khi ra chỗ thuyền lấy sup có đi qua 1 cái bè tre, không may mình bước đúng chỗ bè bị mục nên bị rớt 1 chân chảy máu. Do chân đau nên mình chèo khoảng hơn 30 phút là lên bờ. Lúc lên được chị Huyền chỗ quầy cafe hỏi thăm, pha cốc trà nóng và cho mượn máy sấy về dùng. Nói về Hồ Thang Hen thì ở đây là 1 chuỗi liên hoàn gồm khoảng 36 hồ lớn nhỏ, mùa mưa bạn có thể đi xa hơn, thậm chí ra gần khu núi thủng. Nước hồ có màu xanh ngọc bích đặc trưng. Đợt này nước cạn nên mình chỉ đi được hồ chính. Mình book phòng đôi và có ăn cơm phần 50k. Phòng nhìn chung sạch sẽ, có toilet nóng lạnh khép kín, có điều hòa, quạt, sofa. Nếu bạn muốn mượn máy sấy hay bình siêu tốc thì liên hệ với lễ tân. Mình được 1 anh giao cơm tối tận phòng, cơm 50k nhưng rất đầy đặn: có canh rau cải, dưa leo, trứng chiên, thịt, cơm đầy đặn, ăn rất hợp khẩu vị.
- Làng đá cổ Khuổi Ky: Đêm thứ 2 mình chọn ở Lan Rừng Homestay để thuận tiện tham quan động Ngườm Ngao. Homestay này là khu nhà mới xây dựng, khang trang, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc đá đặc trưng. Phòng ở tách biệt, khép kín, phù hợp cho cá nhân, cặp đôi, gia đình. Phòng mình thuê có giá 400k, đầy đủ tiện nghi: TV, điều hòa, quạt, giá treo đồ, WC nóng lạnh xịn sò. Do đi 1 mình nên mình đặt ăn theo suất với giá 150k, với đa dạng các món: canh bắp cải, ba chỉ rang lá móc mật, rau cải xào, lạp sườn. Phòng mình ở kế bên sông, ngay phía lối vào nên rất tiện đi dạo quanh làng. Anh chị chủ rất dễ mến, chu đáo và nhiệt tình.
- An Homestay Cao Bằng: Homestay nằm ở mặt đường, đối diện cổng trường cấp 3 thành phố, ngay gần nhà xe Thanh Ly (đa số nhà xe đều đi qua và dễ dàng kết nối với các điểm du lịch). Dù ở mặt đường nhưng cách âm tốt, không bị ồn đâu. Kế bên cũng có nhiều cửa hàng tạp hóa, quán ăn, cafe, trà sữa nên không lo đói. Tại đây có đa dạng các loại phòng: phòng dorm, phòng đơn, phòng đôi,... và do chính anh chủ decor, sửa chữa. Phòng có thiết kế tối giản, sạch sẽ, đầy đủ trang thiết bị (điều hòa, kệ đồ, bàn ghế, quạt, gương, máy sấy, nóng lạnh,...) tạo cảm giác ấm cúng như chính căn nhà của mình. Đặc biệt, giường ở đây là loại giường king, đệm lò xo nên cực êm. Mình ngủ 1 đêm ở phòng đơn khép kín, loại 250k, ngủ cực ngon luôn. Anh Quang cũng hỗ trợ mình rất nhiều trong chuyến hành trình này, từ xe cộ, checkin - checkout sớm, tìm quán ăn sáng cho mình, giữ đồ cá nhân, tư vấn lộ trình.
𝗔̆𝗻 𝘂𝗼̂́𝗻𝗴
Rất tiếc là chuyến đi này mình chưa có nhiều thời gian để trải nghiệm trọn vẹn ẩm thực bản địa, nếm thử các món ngon của người dân vùng Đông Bắc. Khi tới Cao Bằng bạn có thể tham khảo các món ngon trứ danh dưới đây:
Các món bánh: Bánh cuốn, bánh coóng phù, bánh áp chao, bánh trứng kiến, bánh bò, bánh mật, bánh khảo, bánh gai, bánh chưng, khẩu sli,...
Phở: Phở chua, ba chỉ, vịt, lạp sườn,...
Các món khác: Hạt dẻ, bánh hạt dẻ, cốm hạt dẻ, chè lam, đậu phụ chao, miến dong, trâu/bò gác bếp, ba chỉ gác bếp, lạp sườn, thạch đen, thạch mác púp, nằm khau, vịt quay, heo quay, cá suối chiên, măng ớt, lê/mắc cọp, hồng ngâm,...
𝗖𝗵𝗶 𝗽𝗵𝗶́
Tùy theo điểm xuất phát, thời gian, nhu cầu tham quan, lưu trú, ăn uống, đi lại mà chi phí sẽ có sự chênh lệch. Chuyến đi 4N5Đ của mình dao động khoảng 4 triệu đồng.
- Xe cabin 800k/2 chiều
- Thuê xe máy 4 ngày: 720k + đổ xăng: 320k
- Lưu trú: 250k (An Homestay) + 350k (KDL Thang Hen) + 400k (Lan Rừng Khuổi Ky) = 1 triệu
- Vé vào điểm tham quan: Hồ Thang Hen 30k (lưu trú free vé vào), chèo sup Hồ Thang Hen 200k, động Ngườm Ngao tuyến mới 195k (tuyến cũ ⅓ hang: 45k người lớn, 25k trẻ em), vé vào thác Bản Giốc 45k, khu di tích Pác Bó 55k (cả xe điện 2 chiều, gửi xe, bảo hiểm),...
- Chi phí khác (gửi xe, ăn uống): ~700k (Gửi xe trung bình: 10k, nước suối 5k, phở 20 - 30k, cơm ở homestay,...)
𝗟𝘂̛𝘂 𝘆́
𝙉𝙚̂𝙣 đ𝙞 𝘾𝙖𝙤 𝘽𝙖̆̀𝙣𝙜 𝙫𝙖̀𝙤 𝙢𝙪̀𝙖 𝙣𝙖̀𝙤?
Cao Bằng có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa (tháng 6 - 9) và mùa khô (tháng 10 - 5 năm sau). Mỗi mùa đều có những vẻ đẹp và đặc trưng riêng:
Tầm tháng 2 - 3: Hoa lê, mắc cọp nở rộ.
Tháng 3 - 4: Cây mơ, mận ra quả sai trĩu.
Tháng 7 - 8: Mùa lê, mắc cọp chín.
Tháng 8 – 9: Thác Bản Giốc đầy nước trong xanh, ruộng lúa chín vàng.
Tháng 11 - 12: Hoa tam giác mạch và hoa dã quỳ nhuộm sắc khắp núi rừng.
Tháng 12 - 1: Rừng lá đỏ ở hồ Bản Viết tựa trời Âu hay băng tuyết phủ trắng đỉnh Phia Oắc.
Theo quan điểm cá nhân mình thì mọi người nên đi vào tầm tháng 8 - 9 là đẹp. Mình đi vào cuối tháng 10, là thời điểm người dân thu hoạch lúa, nhiều nơi đã gặt xong, thác mùa cạn nên có ít nước. May mắn là 4 ngày mình đi trộm vía không mưa nhưng trời nắng chói chang, di chuyển nhiều nên khá mệt. Sáng và tối se lạnh, các bạn nên chuẩn bị áo gió, khăn và găng tay khi chạy xe.
𝙆𝙞𝙣𝙝 𝙣𝙜𝙝𝙞𝙚̣̂𝙢
Xe khách chỉ cần book trước 1 - 2 ngày, chú ý điện thoại vì nhà xe gọi báo giờ đón. Gần đây có tình trạng giả mạo nhà xe lừa đảo khách nên bạn hãy chọn những hãng uy tín.
Việc kiểm tra xe trước khi bắt đầu hành trình rất cần thiết. Hãy chọn những chiếc xe chạy khỏe, bám đường tốt, phanh, còi, đèn hoạt động bình thường.
Tìm hiểu kỹ địa thế và điểm đến để lên lịch trình phù hợp. Nên tra maps theo vệ tinh và đường ô tô sẽ dễ định hình hơn. Với lịch dày như mình thì nên đi sớm, thường là khoảng 5 - 6h xuất phát. Sáng sớm sương mù bao phủ khá dày, tầm 17h30 là trời đã nhá nhem tối rồi nên các bạn tính toán thời gian cẩn thận để kịp về điểm dừng. Nhớ đổ xăng vì trên này nhiều cung đường không có cây xăng nào.
Đường xá thực ra không quá khó đi nhưng nhiều khúc cua, làm đường, có rất nhiều shit, chó, gia cầm, gia súc chạy ngang nên cần chú ý tốc độ. Đi đường cũng sẽ có nhiều vật thể lạ bay/rơi vào người như: bướm, bọ, thiêu thân, nhện, châu chấu,.... Khi trời tối phát sinh nhiều vấn đề như: đường núi không có đèn điện, ít cây xăng, nhiều chó, đường cua tay áo, cua lòng chảo nhiều. Đặc biệt là ô tô tải, ô tô con chạy ngược chiều rất nguy hiểm. Ngày thứ 3 của mình đi lạc, ngày thứ 4 thì gặp chỗ sạt lở chờ hơn 1 tiếng nên toàn phải vượt 40km đường núi 1 mình trong bóng tối sợ lắm.
Giữ liên lạc và nên mang theo: giấy tờ cá nhân (sát biên giới), đồ sơ cứu (betadine, băng gạc, keo dán,...), thuốc, xịt côn trùng, sạc dự phòng, áo mưa, găng tay, áo ấm, nước, đồ ăn nhẹ,... Dọc đường mình thấy cũng có nhiều hàng tạp hóa, bạn có thể dừng lại nghỉ chân.
Khi leo núi, tránh những ngày mưa. Nên đi giày có đế bám tốt, chỉ nên mang theo nước, gậy chống, bật lửa, điện thoại hay vật dụng cần thiết, đồ nhẹ. Tránh mang đồ nặng vì leo rất mệt, tốn sức. Chuẩn bị thể lực tốt, phân bổ sức lực đồng đều. Trên núi sẽ nhiều côn trùng, rắn, rết nên chú ý khi di chuyển.
Đ𝒊𝙚̂̉𝒎 đ𝙚̂́𝒏
Chỗ chụp ảnh
đèo Mã Phục là đường 1 chiều, nhiều xe cộ chạy qua nên chú ý.
Nếu từ Cao Bằng mà muốn đi tham quan các điểm du lịch cộng đồng thì nên đi làng hương Phja Thắp và làng giấy bản. Bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên, hiếu khách, nhiệt thành và có nhiều trải nghiệm lý thú khi biết được công đoạn làm hương, làm giấy bản như thế nào. Vào làng giấy bạn có thể mua những bức tranh, quyển sổ tay nhỏ, quạt giấy làm kỷ niệm.
Đường tới
núi Mắt Thần bạn có thể tra maps là Thác Nặm Trá hay Cao Bằng Camping là ra. Nó cùng cung đường đi KDL Hồ Thang Hen. Đường xuống là đường đất, dốc, nhiều đá dăm và dễ trượt bánh nên bạn nào chắc tay lái mới nên phóng xe xuống nhé. Nếu không dưới này cũng có đội xe ôm chở xuống (cái này mình không biết giá). Tại đây có 3 khu cắm trại riêng (khoảng 750 - 800k/ng gồm cả ăn tối + sáng) hoặc có thể tự dựng lều camping. Mùa cạn không có nhiều hồ nước, thay vào đó là sự hiện diện của thảm thực vật xanh bạt ngàn với đàn trâu, đàn ngựa đang gặm cỏ, bao quanh là thảo nguyên rộng lớn và những triền đồi uốn lượn. Bạn nên phi xe máy vào sâu bên để thưởng ngoạn khung cảnh hùng vĩ và cực nên thơ của nơi đây.
Trên này có 1 núi thủng ở Đoài Dương gọi là núi Mắt Rồng. Bạn cẩn thận khi tra maps kẻo nhầm.
Hồ Bản Viết nên đi vào mùa đông. Không chỉ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp bình lặng mà mặt hồ còn điểm thêm màu đỏ của lá phong, tạo nên khung cảnh tựa Châu Âu cực lãng mạn.
Thác Cò Là: Ngoài điểm checkin chính là cây cầu tre to có mấy chòi nghỉ như mọi người hay checkin (đoạn cảnh báo nguy hiểm có lối thang bộ xuống) thì đi vào trong cũng có nhiều góc chụp lạ và đẹp. Trên thác Cò Là có 1 cái đập tràn với khung cảnh hoang sơ, hữu tình, đẹp ngẩn ngơ luôn ý.
Ngọc Côn Panorama: Địa điểm này phát sinh được anh Quang chỉ dẫn. Đi từ chỗ đập tràn thác Cò Là bạn tìm Điểm chụp panorama -> Panorama walking track. Đến cái chỗ có nhiều nhà dân bạn hỏi đường lên và gửi xe, đồ lại nhé. Đường núi bên tay trái, leo lên đỉnh khoảng 10 - 15p. Chân mình bị thương nhưng vẫn cố leo cho bằng được. Khi nhìn thấy khung cảnh phía xa xa là sông Quây Sơn và cánh đồng lúa bạt ngàn, đồi núi trùng điệp thì mọi mệt mỏi tan biến hết.
Rừng hạt dẻ: Có 2 chỗ (cây hạt dẻ di sản và vườn hạt dẻ), mùa này đang thu hoạch hạt dẻ.
Bản Mom: Chốn tiên cảnh với vẻ đẹp say đắm lòng người. Bản ở trên chỗ Con nước, bạn có thể hỏi người dân họ chỉ đường cho. Ở ngoài bản chỗ cây cầu có biển tên, bạn đi sâu vào trong chỗ cây cầu thứ 2 là có thể bắt trọn vẻ đẹp non nước nơi này.
Động Ngườm Ngao: Mùa này mở cửa từ 7h30 - 5h chiều. Mùa du lịch mở từ 7h. Nếu bạn có nhiều thời gian thì mình khuyên nên thử đi tuyến mới mất hơn 1,5 tiếng với giá 195k. Mình có bạn Trà sinh năm 99 dẫn đường, có trang bị đèn, áo, giày đi mưa vì phải lội nước, đi bộ, leo trèo. Tuyến mới sẽ được đi nhiều hơn, có nhiều nhũ đá với hình thù đặc sắc và kỳ quan độc đáo của tạo hóa: Tứ trụ Thiên Đình, động Cảnh tiên, chợ trời phú quý, bông sen 12m, cánh đồng 112 bậc thang, cặp linh vật, hang dơi,...
Chùa Phật Tích Trúc Lâm: Nằm trên cao, đường lên chắc tay lái vẫn có thể đi được lên đỉnh núi. Nếu không bạn có thể thuê xe ôm chở lên (cái này mình không biết giá). Lên đây bạn có thể nhìn được toàn cảnh thác Bản Giốc, lễ bái, tham quan, công đức.
Thác Bản Giốc: Địa điểm phân chia ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, được cả 2 nước khai thác du lịch. Từ cổng soát vé đi bộ vào 1 đoạn sẽ thấy thác chính và phụ tung bọt trắng xóa. Mình đi sớm nên cũng khá vắng, lúc về các đoàn khách mới tới đông. Đi bè ra gần thác là 50k/ng, cưỡi ngựa 20 - 30k.
Mình tìm được Thác Hoa nhưng rất tiếc là mùa này không có nhiều nước nên không được đẹp.
Đồi cỏ Vinh Quý: Mình đi trúng hôm 26/10 lúc này ban hành lệnh cấm (25/10) để cải tạo trong 2 tháng. Mình có xin phép để lên được 1 lúc để chụp ảnh xong xuống. Bạn phải leo núi mất khoảng 20 phút. Lúc này chân đau với chảy máu nên mình chụp nhanh rồi đi xuống. Lưu ý là nên tới đồi cỏ vào sáng sớm hoặc tầm chiều mát vì trên này rất nắng, leo lên khá mệt.
Nếu đi từ TP Cao Bằng lên
Khu di tích Pác Bó và đèo Khau Cốc Chà thì cần đi sớm, khoảng 6h sáng. Đi tới Pác Bó khoảng 1,5 tiếng. Mua vé và có xe điện chở vào Đền thờ Bác Hồ. Bạn đi tham quan đền thờ, khu trưng bày, km0 xong rẽ tay phải đón xe điện tiếp để di chuyển vào suối Lê Nin. Suối Lê Nin khoác trên mình một màu xanh tươi mát, có rất nhiều đàn có nhỏ bơi tung tăng. Đi bộ vào trong, nếu bạn dư sức có thể leo thang bộ lên hang Cốc Bó, nhà ông Lý Quốc Súng (có 1 cái nhà sàn thôi). Còn không bạn đi 1 vòng bên dưới qua chỗ Bác Hồ ngồi câu cá, bàn đá Bác làm việc,... Về vẻ đẹp huyền diệu, mỹ miều của nước suối nơi đây thì khó có từ ngữ nào có thể lột tả được.
12h30 đến đèo Khau Cốc Chà (Hàng tạp hoá Nông Văn Ngoan) là đẹp để kịp về thành phố. Giờ nổ mìn (11h - 12h30, 16h - 17h30). Đường từ KDT Pác Pó lên đây có cực nhiều khúc cua, nên cần thật chắc tay lái. Nhất là đoạn đèo Nà Tềnh. Đoạn lên chỗ tạp hóa đang làm làm đường khá bụi, có nhiều đất đá. Bạn sẽ phải leo núi khoảng 30 - 40 phút để lên chỗ chụp ảnh. Chỗ lên khá thoải, không quá dốc nhưng đi hơi lâu. Cứ đi thẳng theo lối mũi tên đỏ tới cái lán nhỏ bên phải lên 1 đoạn là tới. Trên này có 1 bác bán nước, bạn có thể gửi bác thêm tiền tùy tâm. Từ đèo Khau Cốc Chà về thành phố mất hơn 3 tiếng, nên khoảng 2h chiều về là hợp lý. Tuy nhiên mình bị mắc 1 đoạn bị sạt lở ở DT204 gần Thông Nông, chờ mất hơn 1 tiếng nên 18h30 mới về tới thành phố.
𝗧𝗵𝗶𝗲̂́𝘁 𝗯𝗶̣
Mình tự chụp bằng tripod, có remote.
Điện thoại Samsung S21 Ultra
Xem thêm ảnh trong FB của mình.
Hy vọng với những kinh nghiệm du lịch Cao Bằng 4N5Đ mà mình đúc kết trên đây sẽ giúp các bạn có thêm thông tin bổ ích cho chuyến hành trình sắp tới!