Bạn có biết Tứ trấn gồm những ngôi đền nào? Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nội, Thăng Long tứ trấn được xây dựng ở 4 hướng đông, tây, nam, bắc. Trong đó, Đền Bạch Mã trấn giữa phía đông, Đền Voi Phục trấn ở phía tây, Đền Quán Thánh trấn yểm phía bắc, Đền Kim Liên trấn ở phía nam.
1. Đền Bạch Mã trấn phía Đông, thờ thần Long Đỗ
- Vị trí: 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Giờ mở cửa: 9h - 17h30, riêng Giao thừa mở xuyên đêm
- Giá tham quan: Miễn phí
Đền Bạch Mã là một trong những địa danh lịch sử nổi tiếng tại Hà Nội. Ngôi đền được mệnh danh là "trấn Đông thành Thăng Long", là điểm đến yêu thích của rất nhiều du khách thăm quan.
Bạn có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân như: ô tô, xe máy. Xuất phát từ đường Nguyễn Thái Học, du khách đi đến cửa Nam, rồi rẽ vào phố Phùng Hưng, phố hàng Vải. Đi được khoảng 2km là đến đền Bạch Mã Hà Nội.
Nếu đi bằng phương tiện công cộng, bạn có thể chọn một số tuyến xe bus như: 18, 34, 32 và xuống điểm xe bus Trần Nhật Duật rồi đi bộ khoảng 500m là tới ngôi đền linh thiêng nằm trong Thăng Long tứ trấn.
1.1. Lịch sử đền Bạch Mã
Là một trong Thăng Long tứ trấn, đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ (tức là là thần núi Long Đỗ, cùng núi Nùng - nơi tiếp nhận khí thiêng của Kinh thành Thăng Long. Có rất nhiều câu chuyện lịch sử liên quan đến ngôi đền. Trong đó được biết đến hơn cả là câu chuyện về vua Lý Thái Tổ.
Tương truyền khi vua Lý Thái Tổ dời đô đến Đại La đổi tên thành kinh đô Thăng Long, vua đã cho xây dựng và đắp thành, nhưng đắp đến đâu thành đổ đến đó. Vua liền sai người tới đây cầu lễ, vừa khấn xong thì thấy ngựa trắng trong đền đi ra, đi một vòng từ đông sang tây, đi đến đâu để lại dấu chân đến đó.
Thấy vậy, vua sai người đắp thành theo dấu chân ngựa, quả nhiên thành đắp xong vững chãi. Từ đó, nhà vua cho tu sửa lại ngôi đền và phong thần Long Đỗ làm "Quốc đô Định bang Thành Hoàng Đại Vương", và gọi tên ngôi đền là "Bạch Mã linh từ".
1.2. Kiến trúc đền Bạch Mã
Trải qua những thăng trầm lịch sử, đền Bạch Mã (nằm trong Thăng Long tứ trấn) đã được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được cảnh quan uy nghiêm và dấu tích cổ hiếm thấy. Ngôi đền mang giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt và là một trong những di tích kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô.
Đền bao gồm các công trình: tam quan, đại bái, phương đình, thiêu hương, cung cấm và nhà hội đồng. Tam quan được chia thành 5 gian. Phương đình xây dựng theo kiến trúc lối hai tầng 8 mái đao cong.
Nối giữa phương đình và đại bái là mái vòm hình mai cua. Trên các cột gỗ đều được trang trí phong phú bởi sự khéo léo, tinh xảo của các nghệ nhân.
Thiên hương và cung cấm ở đền có kiến trúc khá giống nhau, mái vuốt góc đao cong hai tầng. Tượng thần Bạch Mã được đặt trong cung cấm.
Hiện nay, đền còn lưu giữ 15 văn bia cổ và nhiều dị vật cổ có giá trị như bức hoành phi "Đông trấn linh từ", "Cỗ Long ngai", đồ thờ gồm các vũ khí thời xưa như: đao, câu liêm, xích,... được chạm khắc tinh xảo.
Đặc biệt, ngôi đền thiêng trong Thăng Long tứ trấn này còn giữ được huyệt thông âm. Đó là một cái giếng nằm ở phía bên phải đền, một thứ quan trọng theo quan điểm tả dương hữu âm và giếng huyệt chính là âm.
Với bề dày lịch sử và kiến trúc độc đáo, đền Bạch Mã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa từ năm 1986.
1.3. Lễ hội đền Bạch Mã
Hằng năm, cứ vào ngày 13/2 âm lịch, lễ hội chính của đền Bạch Mã được tổ chức. Đây là lễ hội mang nghi thức cung đình, vừa là tập tục dân gian quan trọng được duy trì từ ngàn đời mang đến không khí vui tươi, phấn khởi của ngày xuân.
Rất đông du khách và người dân địa phương đến ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trấn này để chiêm bái, cầu may mắn và bình an cho cả năm.
Tọa lạc ở vị trí đắc địa nên sau khi tham quan một trong những Thăng Long tứ trấn này, bạn có thể đến các địa điểm du lịch Hà Nội gần đó như: Hồ Gươm, nhà Hát Lớn, đền Ngọc Sơn, chợ Đồng Xuân, con đường gốm sứ, đường sách Đinh Lễ... để khám phá và check in nhé!
>>> Xem thêm: Du lịch tâm linh gần Hà Nội ở đâu hấp dẫn và đi - về trong ngày?
2. Đền Voi Phục trấn phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại Vương
- Vị trí: Số 306B Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội
- Giờ mở cửa: 8h00 - 17h00
- Giá tham quan: Miễn phí
Đền Voi Phục là một ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trấn được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích văn hóa năm 1962. Địa danh là chốn hành hương nổi tiếng ở Hà Nội được đông đảo du khách đến tham quan và chiêm bái. Đặc biệt, với những tín đồ mê vẻ đẹp hoài cổ thì ngôi đền là địa điểm không thể bỏ qua.
Có vị trí nằm ngay trung tâm Hà Nội, bạn sẽ không mất nhiều thời gian di chuyển đến đây. Nếu đi bằng xe cá nhân, bạn nên chọn cho mình chỗ để xe hợp lý, đảm bảo an toàn. Nếu đi xe bus, bạn có thể chọn các tuyến: 16, 27, 34, 32, 49 nhé!
2.1. Lịch sử đền Voi Phục
Đền Voi Phục (nằm trong Thăng Long tứ trấn) có vị trí nằm trên gò Long Thủ (đầu rồng) quay về hướng Nam, ngả sang Đông. Đó là các hướng của nguồn sinh lực vũ trụ, của thánh thần và cũng là hướng của đế vương.
Ngôi đền thờ thần Linh Lang, người đã giúp vua Lý Thánh Tông trong cuộc chiến chống ngoại xâm đẩy lùi giặc Tống khỏi bờ cõi nước ta. Ngài được nhà Vua sắc phong là "Thượng Đẳng Phúc Thần".
Đến thời nhà Trần, Đức Thánh Linh Lang hiển linh giúp tướng sĩ đánh tan hai cuộc xâm lược của giặc Nguyên - Mông và được vua Trần sắc phong "Bình Mông Vương Thượng Đẳng Phúc Thần".
2.2. Kiến trúc đền Voi Phục
Đến với ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trần này, bạn sẽ ngạc nhiên trước lối kiến trúc trầm mặc, cổ kính nhuốm màu thời gian. Đường vào sân đền có ba lối. Trong đó, lối giữa có 12 bậc đá rộng chỉ sử dụng khi rước kiệu trong những ngày lễ, còn hai lối hai bên là để đi lại.
Giữa sân đền Voi Phục là một giếng nước hình bán nguyệt được chạm khắc đôi rồng mây bằng đá, có ý nghĩa "tụ thủy tụ phúc" tức là "cầu nước cầu no đủ".
Ấn tượng nhất là mái đền mang đậm kiến trúc truyền thống của đình chùa thời xưa với phần đuôi cong vút như đầu đao, phía trên được chạm trổ rồng, phượng, lân, hổ và long châu uốn lượn mềm mại, tinh xảo trông rất uy nghiêm, cổ kính.
Chính điện của đền có 5 gian bày lỗ bộ. Bên trái được đặt trống, bên phải đặt chuông đồng. Ở giữa đặt bài vị, ngai vàng chạm khắc tỉ mỉ của nghệ thuật thế kỷ 19. Bức tượng thần Linh Lang ở vị trí cao nhất với nét mặt chính trực, oai nghiêm.
Phía Hậu đường cũng có 5 gian được xây dựng bằng gỗ lim bóng loáng. Trước hiên đặt đôi linh vật bằng đá với mục đích bảo vệ sự bình yên của tòa nhà. Bên trong thờ mẹ của thần Linh Lang và ba vị Thánh Mẫu.
Ngoài ra, đền Voi Phục còn có nhiều hoành phi và câu đối bằng chữ hán, sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Nội dung chủ yếu ca ngợi công đức và sự thiêng liêng của thánh thần.
2.3. Lễ hội đền Voi Phục
Du khách có thể đến thăm đền vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, đền Voi Phục thu hút du khách nhiều nhất vào mùa lễ hội sôi động. Cứ vào mùng 9, 10, 11 tháng 2 âm lịch hằng năm, đền sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi thú vị. Trong đó hoạt động rước kiệu được mong chờ nhất.
Ngoài ra, ngôi đền cũng gần nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội như: công viên Thủ Lệ, công viên Nghĩa Đô, bảo tàng Hà Nội, chùa Láng... Bạn có thể kết hợp tham quan và check in nhé!
>>> Tìm hiểu thêm: Chùa Hà Nội
3. Đền Kim Liên trấn phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại Vương
- Địa chỉ: 144 Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa
- Thời gian mở cửa: 8h00 - 17h00
- Giá vé tham quan: Miễn phí
Đền Kim Liên (còn được gọi là đình Kim Liên) là trấn phía Nam trong Thăng Long tứ trấn. Đền được lập lên thờ thần Cao Sơn Đại Vương - một vị thần bảo hộ, phù trì nhân dân chống lại thiên tai, cường địch, giữ gìn sự bình yên của cuộc sống. Du khách đến trấn phía Nam trong Thăng Long tứ trấn để cầu mọi việc xuôi chèo mát mái.
Ngoài các phương tiện cá nhân, bạn có thể chọn xe bus số 18, 23 để di chuyển.
3.1. Lịch sử đền Kim Liên
Theo tín ngưỡng dân gian, thần Cao Sơn là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Sau khi theo mẹ lên núi đã có công trong việc bảo vệ, trấn giữ xua đuổi tà ma cho dân chúng phía Nam thành Thăng Long.
Sau đó, ngài xin vua cha về vùng đất hoang vu lập nghiệp (nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội). Với mong muốn ghi nhớ công ơn, sau khi ngài mất, nhân dân đã lập đền để thờ thần Cao Sơn.
3.2. Kiến trúc đền Kim Liên
Đền được xây dựng trên một gò đất cao phía đông đầm Kim Liên. Cổng đình và cửa chính của chính điện đều quay mặt về hướng Tây. Kiến trúc của đình gồm hai phần: phần trước gò có cổng cột, hai gian hai bên sân gạch rộng rãi và kiến trúc chính của di tích nằm ở khuôn viên.
Đình chính gồm: Nghi môn, Đại bái, Hậu cung. Nghi môn là ngôi nhà ba gian. Từ ngoài vào trong có cột cổng, đỉnh cột đặt gạch gốm úp vào nhau, bên dưới treo đèn lồng, trong có tứ linh được chạm khắc khéo léo, tinh xảo.
Kiến trúc chính của khu di tích gồm ba cổng, một ngôi đền thờ thần. Đi hết thềm, bạn sẽ qua chín bậc gạch cao xây bằng gạch lớn thời Lê Trung Hưng, nối kiến trúc ngoài trời với kiến trúc chính. Hai bên bậc tam cấp, sát sân gạch có hai con cá sấu đá có từ thời Lê. Hết bậc tam cấp là ba lối vào đền Cao Sơn.
Chính điện có hình chữ đinh rất độc đáo. Hậu cung là ngôi nhà có ba gian dọc, xây bằng gạch, lợp mái ngói. Nằm ở gian cuối cùng của Hậu cung là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương và hai vị nữ thần giao hòa.
Ngoài kiến trúc ấn tượng, ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trấn này còn lưu giữ nhiều di vật: 33 bản sắc phong các thời Lê, Nguyễn, tấm bia đá "Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh" năm 1510... Đây đều là những bảo vật quý hiếm có giá trị lịch sử cao.
Nằm trong Thăng Long tứ trấn, cùng kiến trúc độc đáo cũng như sở hữu nhiều di vật quý hiếm, đền Kim Liên được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 9/1/1990.
3.3. Lễ hội đền Kim Liên
Lễ hội đền Kim Liên được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hằng năm. Vào ngày này, dân làng lại mở hội truyền thống, nghe tế lễ để báo đáp công lao của thần. Bạn có thể đến đây vào bất cứ ngày nào để tham quan.
Ngoài ra, ngôi đền còn khá gần với một số địa điểm du lịch Hà Nội như: chùa Bộc, Khuê Văn Các, Trung tâm chiếu phim Quốc Gia, Vincom Phạm Ngọc Thạch.
>>> [LƯU NGAY] 19+ Địa điểm vui chơi Hà Nội hấp dẫn, thú vị không thể bỏ qua
4. Đền Quán Thánh trấn phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ
- Vị trí: đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội
- Thời gian mở cửa: 8h00 - 17h00
- Giá vé: 10.000 VNĐ/người lớn, trẻ em miễn phí
Đền Quán Thánh là một trong Thăng Long tứ trấn. Địa danh trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, vào mỗi dịp xuân, ngôi đền thu hút một lượng người không nhỏ đến cầu bình an. Với khách du lịch thì đây là điểm đến ấn tượng không thể bỏ qua.
Đền Quán Thánh nằm ở góc đường Thanh Niên và phố Quán Thánh nhìn ra Hồ Tây. Có rất nhiều phương tiện di chuyển đến đền. Bạn có thể đi ô tô, taxi, xe bus, xe máy, xe đạp đều được. Điểm đến nằm ở khu vực trung tâm nên rất dễ tìm.
Xuất phát từ Quảng trường Ba Đình, bạn theo hướng đường Độc Lập và Hoàng Văn Thụ rồi rẽ phải vào đường Hùng Vương. Đi thẳng đường Hùng Vương khoảng 400m là đến.
Nếu bạn đi bằng xe bus, có thể chọn các tuyến: 14, 33, 50. Những tuyến này đều dừng gần ở đền, bạn chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn là tới nơi.
4.1. Lịch sử đền Quán Thánh
Ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trấn này được xây dựng vào những năm đầu khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Di tích trải qua nhiều đợt trùng tu. Dưới đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Tạc đã ủy thác cho con là Trịnh Căn chủ trì việc xuất kho để di tạo Trấn Vũ Quán và pho tượng Thánh Trấn Vũ.
Năm 1794, ở đời vua Cảnh Thịnh cho đúc thêm chiếc khánh đồng lớn đặt trong chính điện. Khi vua Minh Mạng đi tuần thú Bắc Thành, vua đã đổi tên đền thành Chân Vũ Quán. Đến năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm đền và ban tiền để đúc vòng vàng đeo vào tượng Thánh Trấn Vũ.
Như vậy, ngôi đền này có hai tên gọi là: Trấn Vũ Quán và Đền Quán Thánh. Là một trong Thăng Long tứ trấn, đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Tương truyền đây là thần cai quản phương Bắc giúp nhân dân trừ tà ma, yêu quái, diệt trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ và hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông…
4.2. Kiến trúc đền Quán Thánh
Tham quan đền Quán Thánh, bạn sẽ thấy nơi đây được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của Trung quốc, bao gồm: tam quan, tiền đế, trung đế, hậu cung, sân bái.
Cổng ngoài được thiết kế ấn tượng với bốn cột trụ là bốn con phượng hoàng đấu lưng và con nghê trên đỉnh. Xung quanh bốn cột trụ là các chi tiết nổi bật như: cá hóa rồng, mãnh hổ hạ sơn, các cặp câu đối đó mang đến sự uy nghi, cổ kính.
Tam quan của đền gồm 3 cửa và 2 tầng. Đặc biệt, cổng giữa tam quan đắp nổi tượng thần Rahu, một vị thần của Ấn Độ. Ngoài ra, ở gác tam quan là nơi đặt quả chuông đồng được đúc vào năm 1677.
Tiến vào sân bái là nơi để người dân bày biện lễ vật. Trước bái đường được đặt 2 lư hương lớn và bàn để chuẩn bị đồ tế lễ. Hiên bái được trang trí bởi các hình tượng đắp nổi như: tượng cá hóa rồng, tượng hổ xuống núi và bản giới thiệu tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ ở hậu cung.
Ngoài ra, ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trấn này còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị được chạm khắc tinh xảo trên cửa, cột, xà, hoành phi, câu đối viết bằng chữ Hán. Đền cũng có một chiếc khánh bằng đồng được đúc vào thời chúa Trịnh.
>>> Dắt túi: 12 địa điểm vui chơi ở trung tâm Hà Nội thú vị nhất 2023
4.3. Lễ hội đền Quán Thánh
Nổi tiếng là một trong Thăng Long tứ trấn, đền Quán Thánh được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1962. Nơi đây thu hút đông đảo du khách đến tham quan và dâng hương. Bạn có thể đến đền vào ngày thường, ngày lễ, tết. Hằng năm, ngôi đền sẽ tổ chức lễ hội vào ngày 3 tháng 3 âm lịch.
Đến thăm đền Quán Thánh, bạn cũng có thể kết hợp khám phá một số địa điểm du lịch gần đó như: chùa Trấn Quốc, vườn Bách Thảo Hà Nội, nhà sàn Bác Hồ…
Nếu bạn đã tham quan Thăng Long tứ trấn và muốn tìm kiếm địa điểm vui chơi cho gia đình thì VinKE & thủy cung Times City là nơi lý tưởng.
Ghé TTTM Vincom Mega Mall Times City, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị tại thủy cung Vinpearl Aquarium và thiên đường vui chơi VinKE.
Thủy cung Vinpearl Aquarium:
- Khám phá thủy cung đầu tiên có đường hầm tại Hà Nội.
- Chiêm ngưỡng trực tiếp các loại cá nước ngọt như: cá đuối, cá huyết long, cá hải tượng, cá mập trắng nước ngọt...
- Đến khu hang động xem các loài bọ sát cùng nhiều loại côn trùng của hệ sinh thái nhiệt đới.
- Sống ảo siêu đẹp tại khu nước mặn, ngắm nhìn loại cua nhện khổng lồ, cá mú nghệ, cá đuối, cá mập,...
- Tham gia show cho cá ăn, xem biểu diễn nàng tiên cá.
- Mãn nhãn với những chú chim cánh cụt đến từ Nam Cực.
Khu vui chơi VinKE:
- Các bé được trực tiếp trải nghiệm những nghề nghiệp mơ ước như: lính cứu hỏa, bác sĩ, cảnh sát giao thông, đầu bếp...
- Hệ thống trò chơi vận động tại VinKE vô cùng đa dạng với xích đu, cầu trượt, đi xe điện, leo núi...
- Khu vui chơi VinKE sở hữu hàng trăm máy game hiện đại mang đến cho các bạn nhỏ và phụ huynh những giây phút thư giãn nhất.
>>> Nhanh tay Booking vé vào cửa VinKE & Vinpearl Aquarium để vui chơi “thả ga”.
Nhắc đến Hà Nội ngàn năm Văn Hiến với bề dày lịch sử, văn hóa, người ta không thể bỏ qua "Thăng Long tứ trấn". Mỗi ngôi đền đều mang ý nghĩa và những nét đặc trưng riêng. Nhưng khi đặt chân đến đây, du khách đều bị cuốn hút trước kiến trúc cổ kính với những đường nét được chạm khắc tinh xảo. Và hơn cả, Thăng Long tứ trấn đều lưu giữ nhiều di vật quý hiếm có giá trị lịch sử cao.
>>> Đừng quên Booking vé vào cửa VinKE & Vinpearl Aquarium để thỏa sức vui chơi bạn nhé!