Những tín hiệu tích cực từ ngành “công nghiệp không khói” cho thấy người dân đang hào hứng cho những chuyến du lịch, đặc biệt trong dịp Tết Âm lịch. Chuyến đi ngắn ngày, khoảng cách gần hay địa điểm vắng người vẫn là ưu tiên.
Nội dung chính
Sau một thời gian dài ngành du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch quốc tế nói chung “đóng băng” bởi dịch bệnh, thói quen của du khách đã thay đổi đáng kể. Dù vậy, trong bối cảnh “sống chung” với COVID-19, dịp cận Tết Nhâm Dần 2022, những tín hiệu khả quan về xu hướng du lịch mới đã dần hình thành và được ưa chuộng bởi du khách Việt cũng như du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Nhiều chuyên gia du lịch đánh giá xu hướng du lịch gần gũi thiên nhiên đang được nhiều người yêu thích. Những khu du lịch sinh thái nằm sâu trong núi, hạn chế tập trung đông người ghi nhận lượng khách du lịch đặt phòng tương đối đều đặn vào mỗi dịp cuối tuần.
Với lợi thế không gian rộng rãi, hoàn toàn tách biệt với khu đông dân, những khu vực này mang lại sự an tâm cho nhóm du lịch. Đặc biệt, từ cuối tháng 12 đến nay, nhu cầu đi du lịch gần gũi thiên nhiên tăng lên khi các công ty, đơn vị lên kế hoạch cho các buổi tiệc cuối năm.
Xu hướng này nhìn thấy rõ ở Hà Nội và các thành phố lớn. Thay vì những chuyến du lịch xa, người dân đã lựa chọn những điểm đến lân cận Hà Nội hoặc ngay các vùng ngoại thành Thủ đô, vừa để tham quan, trải nghiệm, vừa đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.
Chị Nguyễn Thu An, quản lý homestay Moonlight, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn cho biết: “Tất cả các khu nhà của Moonlight đều đã được khách đặt thuê từ cách đây tới cả tháng. Bởi thực tế, khi dịch bệnh đang diễn ra, khách không thể đi du lịch xa nên đã chủ động đặt phòng”.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách du lịch hiện nay ưa chuộng việc linh hoạt đặt/trả phòng. Nếu như những năm trước thường lo ngại tình trạng cháy phòng vào mỗi dịp Tết thì nay người dân thận trọng hơn. Dù muốn đi du lịch sau khoảng thời gian căng thẳng, nhiều gia đình vẫn không nôn nóng đặt phòng mà chờ đợi thêm để theo dõi tình hình dịch bệnh. Vì vậy, các đơn vị ưu tiên chính sách hoãn/huỷ linh hoạt được nhiều gia đình tìm đến.
Đáng nói, một xu hướng du lịch vẫn luôn là “nam châm” thu hút khách du lịch dịp đầu xuân năm mới chính là du lịch ẩm thực. Tuy nhiên, do tác động của bệnh dịch phức tạp, thay vì đến những nơi xa, nhiều gia đình lựa chọn tour du lịch gần, thưởng thức ẩm thực quen thuộc đã lâu không được trải nghiệm do ảnh hưởng của dịch.
Nhiều chuyên gia đã nhận định, từ lâu ẩm thực vốn là định vị thương hiệu du lịch quan trọng của quốc gia, đặc biệt có thể trở thành lợi thế cạnh tranh để thu hút du khách quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh.
Xu hướng du lịch gần gũi thiên nhiên vẫn được ưa chuộng.
Nắm bắt tâm lý du khách, nhiều đơn vị lữ hành, kinh doanh du lịch đã tận dụng các cơ hội để phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Những mục tiêu chính là xây dựng những sản phẩm du lịch an toàn trong giai đoạn bình thường mới, tạo ra những sản phẩm mới lạ, phù hợp với mọi lứa tuổi, đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao…
Đơn cử, trong thời gian qua, người dân Hà Nội, đặc biệt là giới trẻ đang náo nức với dịch vụ bay dù lượn tại Đồi Bù (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ). Với khoảng cách gần 40km khi đi từ trung tâm Hà Nội đến Đồi Bù, quãng đường và thời gian di chuyển rất thích hợp đi về trong ngày. Khu vực này với cảnh quan núi đồi còn mang vẻ hoang sơ rất thích hợp với những ai ưa khám phá, trải nghiệm.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong đợt COVID-19 lần thứ tư, nhiều doanh nghiệp du lịch đã chủ động xây dựng sản phẩm, chương trình tour hấp dẫn. Tiêu biểu như tour Cổ Loa bằng xe đạp, tour Đồng Mô – Ba Vì – Làng cổ Đường Lâm bằng xe đạp, tour kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội, tour xe bus 2 tầng, tour caravan… Đặc biệt, trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2022, Hà Nội có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới như: hoạt động chèo “SUP” trên sông Hồng; các hoạt động cắm trại tại các vùng ngoại thành Hà Nội…
Các đơn vị lữ hành cũng đều chú trọng tạo ra sản phẩm mang đến trải nghiệm chân thực nhất cho du khách như tham gia hội chợ, lễ hội ẩm thực truyền thống ở nhiều vùng miền, làng quê, trang trại hay thậm chí tham gia các lớp nấu ăn, tour du lịch chuyên ẩm thực để khám phá trọn vẹn các món ngon Việt Nam.
Cùng với việc sáng tạo trong sản phẩm, nhiều đơn vị lữ hành cũng quyết định mở bán tour đến sát giờ. Một số đơn vị khác chủ động thích ứng, cải tiến ứng dụng công nghệ đặt phòng và ra một số chính sách hoãn/huỷ tốt nhất cho khách hàng. Booking.com hiện đang thay đổi theo chính sách cho phép khách hàng thay đổi đặt phòng 1 lần/ngày với điều kiện không hoàn tiền nếu huỷ hoặc được linh hoạt huỷ miễn phí ít nhất 1 ngày trước khi bắt đầu chuyến đi. Thậm chí, nhiều đơn vị du lịch tung ra các chương trình khuyến mãi “giờ chót” cho khách hàng khi đặt tour.
Theo ông Nguyễn Văn Tài – CEO của Công ty VietSense Travel, mặc dù thị trường khách phía Bắc chưa có dấu hiệu khởi sắc, nhưng rất đông du khách ở khu vực miền Trung và miền Nam đã hỏi và đặt tour cho dịp Tết Nhâm Dần. Ông Tài cho biết thêm: “Mặc dù lượng khách chốt đặt tour chưa nhiều, nhưng dự đoán khoảng 1 đến 2 tuần nữa, khách miền Trung và miền Nam sẽ chốt tour vì du khách có xu hướng đặt tour sát ngày”.
Theo Thái Ngân / (PLVN)
Bình luận
Bài viết mới
Bài viết liên quan