Giá:
Bánh cuốn là một món ăn dân dã mang hương vị truyền thống khá quen thuộc với các tín đồ ẩm thực Việt Nam. Đi dọc khắp các vùng miền bạn sẽ thấy vô vàn những phiên bản bánh cuốn được chế biến và ăn theo nhiều cách khác nhau để phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương. Tuy vẫn được chế biến từ những nguyên liệu tương tự các vùng miền nhưng điều tạo nên sự khác biệt cho bánh cuốn Cao Bằng chính là ở cách chế biến và cách thưởng thức. Khiến thực khách ăn một lần rồi nhớ mãi không quên hương vị ấy.
Bánh cuốn được chế biến khá đơn giản. Từ những nguyên liệu chính có sẵn tại địa phương, cụ thể như:
Bột bánh làm từ gạo Đoàn Kết được vo, ngâm bằng nước sạch khoảng 4 đến 5 tiếng đồng hồ và nghiền thành bột nước. Khi tráng bánh cuốn cần phải chú ý để bánh chín phồng, có màu trắng và đảm bảo độ bóng, mềm, dẻo, dai xem lẫn cả hương thơm của gạo được trồng tại miền non nước Cao Bằng.
Nhân bánh được chế biến từ thịt lợn nạc băm xào với hành củ đã được thái nhỏ phi giòn và các loại gia vị. Một số thực khách lại thích ăn nhân có thêm mộc nhĩ; hoặc lạc rang giã nhỏ để làm dậy vị thơm và ngọt của miếng bánh hơn.
Điểm đặc biệt mang lại hương vị riêng cho bánh cuốn Cao Bằng là nước canh. Nước canh được chế biến từ nước hầm xương lợn nhừ đã được chắt lọc qua nhiều lần để đảm bảo nước canh trong và không có váng mỡ mà vẫn thơm, ngọt, béo.
Tùy từng khẩu vị của mỗi thực khách mà có người thích ăn bánh cuốn trắng với canh và giò, hay thêm bánh trứng dạng như trứng ốp lếp, hoặc bánh trứng vàng thường là loại bánh mềm cho trẻ em.
Thưởng thức bánh cuốn Cao Bằng đúng cách là phải cho bánh vào ngập trong nước canh; thêm một chút măng ớt, mắc mật ướp và các loại rau thơm như: mùi tàu, rau mùi, hành lá…
Sự hòa quyện giữa vị thanh của miếng bánh cuốn cùng nước xương hầm thơm, ngọt; vị béo ngậy của trứng, giò; vị cay nồng của măng ớt, mắc mật ướp và hương thơm của rau mùi… khiến những thực khách muốn ăn thêm mãi. Cũng có lẽ chính vì hương vị giản dị rất đỗi thân quen đã khiến cho thực khách lưu luyến bánh cuốn Cao Bằng.