Gia Lai là một tỉnh nổi tiếng ở Tây Nguyên với những cánh đồng Cafe và hương vị Cafe truyền thống. Gia Lai vốn là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên rộng lớn, nổi tiếng gần xa với hương vị cafe thơm ngon đậm đà. Cùng đọc ngay Kinh Nghiệm Du Lịch Gia Lai: Đi Đâu, Ăn Gì, Chơi Gì nhé.
Tuy không mang vẻ đẹp hào nhoáng như những trung tâm hiện đại, cũng chẳng có những dịch vụ du lịch nổi bật, nhưng Gia Lai lại mang một vẻ đẹp tự nhiên, hoang dại say lòng không ít người đến thăm. Nếu bạn chọn du lịch Nha Trang trong những ngày nắng nóng, để có thể đắm mình vào làn nước biển trong xanh, mát rượi. Thì hãy chọn du lịch Gia Lai vào những ngày bạn muốn sống yên bình, muốn khám phá thiên nhiên hoang dại nhé.
Cái tên Gia Lai có nguồn gốc từ chữ “Jarai”, vốn là tên của dân tộc bản địa sinh sống ở nơi đây. Nhắc đến Gia Lai, người ta thường nhớ ngay đến những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, thiên nhiên hùng vĩ bao la với những thác, ghềnh trải dài theo sườn núi, hay đồi chè, đồi cafe bạt ngàn cùng những đàn voi.
Nằm trong vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao và lượng mưa lớn. Khí hậu được chia thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa mưa từ (tháng 5 đến tháng 10) và mùa khô (từ tháng 11 tới tháng 4 năm sau).
Bạn nên đi vào mùa khô đặc biệt vào những tháng cuối năm từ 11-12, vì đây là mùa hoa dã quỳ nhuộm vàng trên khắp nẻo đường và mùa lúa chín, thời điểm của nhiều lễ hội. Bên cạnh đó, cuối tháng 2, tháng 3 là mùa hoa cà phê nở trắng khắp trời Tây Nguyên, thời điểm lí tưởng để chụp ảnh.
Hãy tránh xa những tháng từ tháng 5 – tháng 10, vì thời điểm của những cơn mưa lớn, sẽ gây khó dễ trong việc di chuyển.
Có nhiều phương tiện để di chuyển đến Gia Lai, như:
– Máy bay:
Từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM, bạn có thể bay trực tiếp tới sân bay Pleiku. Và nhớ là đặt trước để có giá rẻ.
– Xe khách:
+ Đối với bạn nào ở Hà Nội thì đến ngay bến xe Giáp Bát, ở đây có các hãng xe như Quân Trung, Hồng Hải, Việt Hưng, ….
+ Nếu xuất phát từ Sài Gòn thì dễ hơn rồi, vì có khá nhiều xe như Hoa Châu, Tứ Loan, Phú Hưng,…giá thì chỉ từ 200k – 300k. Khoảng 8 tiếng thì bạn tới được Gia Lai.
– Xe máy:
– Còn nếu lựa chọn xe máy để du lịch Gia Lai thì thoải mái hơn, lại được khám phá dọc đường. Lựa chọn 1 trong 2 tuyến đường sau nha:
+ Tuyến 1 (635km): Nội thành TP. HCM -> Cầu Sài Gòn -> Xa lộ Hà Nội -> đường Võ Nguyên Giáp -> ngã ba Dầu Giây -> quốc lộ 20 -> tỉnh Lâm Đồng -> QL 27 -> Buôn Ma Thuột -> QL14 -> Gia Lai.
+ Tuyến 2 (645km): chỉ dành cho ô tô, TP. HCM -> hầm Thủ Thiêm -> Cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây -> rẽ trái vào QL1 -> rẽ phải vào QL20 -> tỉnh Lâm Đồng -> QL27 -> Buôn Ma Thuột -> QL14 -> Gia Lai.
* Lưu ý: con đường ở các tỉnh Tây NGuyên khá là hẹp, nhiều đèo, dốc, nên bạn cần chú ý tốc độ một chút nhé. Cũng có nhiều trạm kiểm tra tốc độ nữa đó.
Ở Gia Lai, ngoài xe máy (thuê ở các khách sạn), bạn cũng có thể lựa chọn đi taxi, thuê ô tô nếu đi theo nhóm đông, xe bus cũng có rồi nhé.
Nếu các bạn đi một nhóm lớn các bạn nên thuê xe ô tô để di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác. Đối với ô tô, tốt nhất, các bạn hỏi thuê ngay tại khách sạn mình ở. Hầu hết các khách sạn đều có liên kết với một công ty cho thuê xe du lịch và họ sẽ phục vụ bạn một cách nhiệt tình.
Các khách sạn ở Pleiku thường đều có dịch vụ cho thuê xe máy, giá khoảng 150.000đ – 200.000đ/ ngày tùy loại xe, xăng tự đổ. Theo cá nhân mình giá thuê xe máy ở đây khá đắt so với một vài thành phố du lịch khác. Dịch vụ thuê xe máy ở Pleiku cũng phổ biến nên dân du lịch bụi thường đến Pleiku và thuê xe máy di chuyển sang các huyện, các tỉnh lân cận.
Đi Xe bus ở Gia Lai, từ thành phố Pleiku các bạn có thể đi xe bus sang các huyện khác
– Pleiku – An Khê
– Pleiku – Kon Tum
– Pleiku – Ia Grai, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Puh, Chư Prong
Du lịch Gia Lai chưa phát triển nhiều nên chưa có hình thức Homestay cho lắm.
– Còn muốn tiện ăn uống, đi lại, thì bạn nên chọn khách sạn dọc đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Phạm Văn Đồng, đặc biệt là khu vực phường Diên Hồng – khu chợ lớn nhất Gia Lai.
– Còn nếu muốn rẻ hơn ư, thì đến ngay các khách sạn gần bến xe Đức Long hoặc khách sạn Sê San Gia Lai, cũng chất lượng lắm.
Các trang uy tín để bạn book khác sạn, homestay khi du lịch Gia Lai:
– Hotelscombined.com ( nên dùng trang này vì đây là trang so sánh giá của Agoda và Booking …. giúp bạn chọn khách sạn giá rẻ nhất )
Hồ T’Nưng: Được mệnh danh là “đôi mắt Pleiku”, Hồ T’Nưng (T’Nưng, có nghĩa là “biển trên núi”) hay còn gọi là hồ La Nueng, Biển Hồ là một hồ nước ngọt nằm ở phía Tây Bắc thành phố Pleiku, cách trung tâm thành phố khoảng 7km theo quốc lộ 14. Sở dĩ nơi đây có tên gọi là Biển Hồ vì diện tích hồ rất rộng tới 230ha nằm bao quanh rừng thông và núi. Vào mùa mưa, mặt nước có thể lan rộng ra trên 400ha nên khám phá hồ là một điều thú vị.
Thác Phú Cường: Thuộc địa phận xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, cách thị trấn Chư Sê khoảng 3km và cách thành phố Pleiku khoảng 45km về phía Đông Nam thác Phú Cường. Nơi đây thu hút du khách nhờ vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ.
Với thảm thực vật phong phú, đa dạng và không gian rộng lớn; khi đến với thác Phú Cường, du khách sẽ được hòa mình vào bầu không khí trong lành, mát mẻ; được ngắm nhìn dòng nước chảy len lỏi qua các kẽ đá; xen lẫn trong âm thanh của tiếng nước chảy là đâu đó tiếng chim hót thánh thót tạo nên một khung cảnh kỳ vĩ mà không kém phần thơ mộng.
Biển Hồ Chè: Nằm trên bờ Bắc Biển Hồ, gọi là Biển Hồ chè bởi đó là sự kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và nương chè bạt ngàn. Đồi chè ở đây chỉ cách thành phố Pleiku khoảng 13km, nằm trên địa phận huyện Chư Pah. Đây cũng chính là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai, hình thành từ những năm 20 thế kỷ trước.
Vẻ đẹp tự nhiên mà Biển Hồ Chè đang sở hữu khiến cho du khách như đang lạc vào chốn thiên đường – nơi có nắng có gió, nhưng không còn sự khô cằn của vùng đất Tây Nguyên đầy sỏi đá này.
Núi lửa Chư Đăng Ya: Núi lửa Chư Đăng Ya nằm cách trung tâm phố núi Gia Lai khoảng 30km về hướng Đông Bắc, thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, ẩn mình giữa rừng xanh, đại ngàn hùng vĩ.
Núi ChưH’Rông (Núi Hàm Rồng): Điểm này cách thành phố 7km, đường lên núi Hàm Rồng được tô đẹp bởi hai những bông hoa dã quỳ ở hai bên con đường.
Ngoài ra còn các địa điểm tham quan đẹp khác như:
– Chùa Minh Thành
– Nhà tù PleiKu
– Bảo tàng anh hùng núp
– Hồ thủy điện Yaly
– Thác Xung Khoeng
– Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh
– Thác Mơ
– Quảng trường Đại Đoàn Kết
– Đồng Xanh
Bún cua thối
Bún cua thối hay bún mắm cua là món ăn nổi tiếng ở Pleiku bởi hương vị đặc biệt. Chưa đi đến quán, thực khách đã có thể ngửi được mùi thối đặc trưng của món ăn bởi cua đồng sau khi giã lấy nước đã được ủ một ngày cho lên mùi, rồi mới mang đi nấu.
Tuy là đặc sản ở Pleiku nhưng theo một số người dân phố núi, món ăn này có nguồn gốc từ những người Bình Định di dân đến Gia Lai, là sự pha trộn giữa mắm cua, thịt ba chỉ, măng, chả, nem chua, da heo chiên giòn, bánh phồng tôm, rau sống…Món chính ăn cùng với nước lèo cua là bún. Tuy mùi nước lèo khó chịu nhưng nó lại rất đậm đà khó quên.
Nếu đến Gia Lai, bạn sẽ thấy quán bún cua thối không tên nằm ở góc đường Phùng Hưng (chợ nhỏ Pleiku) rất đông khách hoặc đoạn đường Quyết Tiến – giao với Đồng Tiến. Bún cua thối thường được bán vào tầm giờ từ chiều đến tối.
Phở khô
Với người Pleiku (Gia Lai) phở khô không chỉ là món ăn nổi tiếng mà còn là niềm tự hào. Đến với phố núi Pleiku, không khó để tìm thấy các cửa hàng phở khô trên khắp phố phường.
Phở khô có phần bánh phở cùng nước dùng tách riêng. Chính vì thế món ăn này còn được gọi là “phở khô hai tô”. Phở khô thường ăn với 2 nguyên liệu chính là thịt gà và thịt bò. Ngoài ra, còn có thêm hành khô, rau sống và lạc phụ trợ.
Khi ăn, bánh phở và các nguyên liệu sẽ được trộn đều lên với tương đen, xì dầu, tương ớt tùy thuộc vào khẩu vị của thực khách. Mùi thơm của tương, vị cay của tương ớt quện lại trong hương vị riêng biệt của xà lách, ngò gai, giá đỗ,… tạo nên một bát phở khô ngon khó cưỡng.
Bạn có thể tìm đến phố Nguyễn Thái Học hoặc Nguyễn Du để thưởng thức món phở đặc biệt này. Một bát phở có giá khoảng 35.000đ và món này được bán cả ngày.
Lụi nướng
Với khí hậu hơi se lạnh của Pleiku, chẳng có món lai rai nào phù hợp hơn lụi nướng. Theo Trí Thức Trẻ, lụi nướng thường có 2 loại là lụi bánh tráng và lụi thịt nướng.
Lụi bánh tráng thì được làm từ thịt xay, bún khô sau đó được cuốn vào lớp bánh tráng mỏng rồi nướng lên. Ăn lụi bánh tráng thấy độ giòn, thơm đặc trưng, món này thường được ăn kèm với tương me chua ngọt đi kèm với chút xíu ớt. Trong khi đó, lụi thịt nướng được làm từ thịt heo hoặc thịt bò, được dùng kèm với tương đậu hay tương me.
Lụi nướng thường bán từ chiều đến tối, giá chỉ 1k đến 3k/cây. Một số địa chỉ bạn có thể ghé đến đường Cao Bá Quát, Duy Tân hay đường Nguyễn Thiện Thuật để thưởng thức lụi nướng ở phố núi Pleiku.
Bánh hỏi cháo lòng
Cháo lòng bánh hỏi có nguồn gốc từ Bình Định và được du nhập lên phố núi Pleiku, cháo lòng bánh hỏi lại xuất hiện nhiều trên các con đường ở thành phố Pleiku, trở thành món ăn sáng bình dị được nhiều người ưa thích.
Một miếng bánh hỏi gồm nhiều sợi bánh kết hợp lại với nhau, kích cỡ của bánh bằng khoảng hai ngón tay người lớn. Khi ăn bánh hỏi, người ta thường thoa lên bánh một ít dầu ăn trộn với lá hẹ xắt nhỏ, làm cho hương vị bánh hỏi rất lạ, kích thích khẩu vị. Khi ăn chỉ cần một chén nước mắm tỏi ớt pha hơi ngọt là đã có bữa ăn sáng ngon miệng. Để thưởng thức loại bánh này ở Pleiku, bạn có thể tới đường Nguyễn Thái Học.
Hani Kafe & Kitchen: Hani Kafe & Kitchen được mệnh danh là nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thành phố Pleiku. Quán nằm ở một vị trí khá cao so với thành phố, với phong cách hiện đại, trẻ trung rất phù hợp cho các bạn trẻ đến để sống ảo. Hani Kafe & Kitchen ghi điểm được với nhiều tín đồ du lịch bởi vì cả 3 tầng ở quán đều ngắm được view toàn thành phố cộng thêm nắng hoàng hôn buổi chiều buông xõa cả không gian thích hợp cho bạn làm nên những shoot ảnh đẹp.
– Địa chỉ: Số 148 Tô Vĩnh Diện, TP. Pleiku, Gia Lai
– Hotline: 094 923 51 68
– Giá tham khảo: 15.000đ – 40.000đ
KAP Bistro: Cũng như những quán cafe phong cách cổ điển, KAP Bistro cũng có một sức hút mà các bạn trẻ không thể cưỡng lại được. Mang phong cách Châu Âu nên quán có tông màu trầm ấm và được thiết kế đa dạng 3 tầng khác nhau, mỗi tầng được chia thành nhiều không gian khác nhau tạo cho bạn cảm giác yên tĩnh. Bên trong nền kiến trúc cổ điển ấy chính là “tâm hồn hoàng gia”: từ giá sách cũ bày biện những vật dụng cổ và những quyển sách cổ đến cách bài trí bàn ghế, lựa chọn tranh ảnh đều đậm chất hoàng gia xưa.
– Địa chỉ: 46 Hùng Vương, Pleiku, Gia Lai
– Hotline: 090 551 12 05
– Giờ mở cửa: 06:00 – 22:00
– Giá tham khảo: 25.000đ – 40.000đ
Java Coffee: Java Coffee nằm tọa lạc trên đường Nguyễn Tất Thành, TP,Pleiku – một vị trí dễ dàng cho mọi người tìm được quán. Java Coffee có thiết kế hình vòm lục giác giữa không gian nhà, bao xung quanh là view ngắm bao quát thành phố nhộn nhịp. Từ vị trí cao nhất của quán, bạn có thể chiêm ngưỡng và cảm nhận được vẻ đẹp và sự nhộn nhịp của thành phố Pleiku lúc về đêm. Đây là nơi lí tưởng cho những ai muốn hòa mình vào sự náo nhiệt của thành phố về đêm.
– Địa chỉ: 170 – 176 Nguyễn Tất Thành, Tp. Pleiku, Tỉnh Gia Lai
– Hotline: 094 899 91 36
– Giờ mở cửa: 06:00 – 22:00
LIL JUN coffee studio: LIL JUN coffee studio là một trong những quán cà phê được nhiều người đánh giá cao và ủng hộ tại Pleiku. Không gian quán khá ấm cúng, bàn ghế được sắp xếp một cách hợp lý, màu sắc và những vật dụng trang trí mang đến một không gian ấm áp khi khách hàng đến với quán. Đến với LIL JUN coffee studio, khách hàng có thể ngắm cảnh, góc này vào buổi sáng cũng thu hút nhiều khách hàng đến để nhâm nhi những tách cà phê bên những trang sách mà mình thích.
– Địa chỉ: 139 Tô Vĩnh Diện, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai
– Hotline: 09412.09412
Findi Coffee House: Nằm trên đường Bùi Dự, Findi Coffee House là một địa điểm quán cafe đẹp mang đậm phong cách phương Tây thu hút rất nhiều thực khách trong và ngoài thành phố. Findi Coffee House rất tinh tế khi chọn gam màu chủ đạo là xanh đâm kết hợp cùng việc trang trí hoa màu đỏ từ tầng trệt đến tầng thượng mang đến một vẻ đẹp sang chảnh và thời thượng. Benn cạnh không gian tươi mới, thiết kế tại Findi Coffee House cũng khiến người ta không khỏi yêu thích. Những khung cửa hình mái vòm đậm chất châu Âu cùng bàn ghế sang trọng, hiện đại và hệ thống đèn chiếu sáng với gam vàng chủ đạo. Tất cả đã tạo nên một Findi Coffee House thật khác biệt.
– Địa chỉ: 01 Bùi Dự, TP. Pleiku, Gia Lai
– Điện thoại: 091 935 68 90
– Giờ mở cửa: 07:00 – 22:00
Lahu Cafe: Lại một quán cafe siêu hot mà Toplist muốn giưới thiếu với các đó là Lahu Cafe. Lahu Cafe làm mưa làm gió tại phố núi Gia Lai thu hút rất nhiều giưới trẻ tại đây cũng như thực khách nhiều nơi. Quán với thiết rất xinh xắn, nhẹ nhàng và tinh tế với gam màu vitage là chủ đạo. Nội thất kiểu Hàn đẹp mắt, dễ thương và không kém phần sang trọng. Bên ngoài quán là khu vườn nhỏ xinh, sổng ảo tại đây thì siêu chất luôn nhé. Đảm bảo khi đến đây sẽ làm các bạn thích mê.
– Địa chỉ: 42 Thống Nhất, TP. Pleiku, Gia Lai
– Điện thoại: 0269 6272 829
– Giờ mở cửa: 06:00 – 22:00
Cà phê chồn: Cafe Việt Nam nổi tiếng khắp bốn biển năm châu bởi độ ngon có tiếng. Đến một trong những thủ phủ của cafe tại sao lại bỏ qua cafe chồn – đặc sản Gai Lai làm quà số 1 ở đây.
Phải mất 10kg cà phê tươi người ta mới sản xuất ra được 1kg cà phê chồn. Chính vì thế mà giá thành của cà phê chồn chắc chắn sẽ rất cao. Tuy nhiên, đắt xắt ra miếng, đây hoàn toàn là một món quà đáng đồng tiền bát gạo từ mảnh đất Gia Lai.
– Gợi ý điểm mua: Cà phê chồn Thu Hà
– Địa chỉ: số 9 Nguyễn Thái Học, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
– Giá tham khảo: từ 1.200.000 vnđ/hộp 125gram
Bò một nắng: Bò 1 nắng là đặc sản Gia Lai làm quà không thể thích hợp hơn dành cho dân nhậu. Combo bò một nắng chấm cùng muối kiến vàng trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc sắc đặc trưng của người dân địa phương ở Gia Lai.
Thịt bò phải được chọn từ bò vùng núi Krong Pa chuyên thả rông và ăn cỏ. Chọn miếng thịt làm món đặc sản này phải là miếng thịt nạc nhất, tươi nhất để thái thành từng miếng mỏng và ướp với gia vị cần thiết như ớt, gừng, tỏi…sau đó đem ra phơi nắng to trong 1 ngày để thịt được săn lại và để vào bịch cất giữ.
– Gợi ý điểm mua: Bò khô chị Ba
– Địa chỉ: 154 Phù Đổng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
– Giá tham khảo: từ 500.000 vnđ/ 1kg
Muối kiến vàng: Ngoài cafe chồn thì muối kiến vàng là một trong những đặc sản Gia Lai làm quà độc nhất vô nhị bởi chẳng địa phương nào có. Bởi lẽ kiến vàng chỉ sống ở vùng Krong Pa (Gia Lai). Muối được làm từ loại kiến này có một hương vị vô cùng đặc biệt.
– Gợi ý điểm mua: chợ trung tâm Pleiku
– Địa chỉ: phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
– Giá tham khảo: từ 250.000 vnđ/250gram
Tôm khô Biển Hồ: Tôm khô Biển Hồ quả là đặc sản Gia Lai làm quà thích hợp hơn cả dành cho các bà các mẹ. Bởi lẽ từ tôm khô mà các bà, các mẹ có thể chế biến ra bao nhiêu món ngon cho cả gia đình.
Tôm Biển Hồ chẳng to như những con tôm ta thường thấy, nó chỉ nhỏ tầm ngón tay út nhưng con nào con nấy nom đẫy đà, mơn mởn, đến là thích mắt. Người ta phải đi từ sớm thả mồi mới bắt được những con tôm ngon. Đem về làm sạch rồi chế biến thành nhiều món ăn đa dạng. Để giữ lâu người ta phơi tôm vài 3 nắng cho khô lại rồi bỏ vào bịch hay hũ ăn dần.
– Gợi ý điểm mua: chợ trung tâm Pleiku
– Địa chỉ: phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
– Giá tham khảo: từ 100.000 vnđ/hũ
Mật ong rừng: Gia Lai là mảnh đất của núi rừng, hoa lá bát ngát mênh mông. Đây vì thế trở thành nơi sinh sôi phát triển của rất loài động vật, một trong số đó là ong mật. Mật ong rừng từ đây cũng trở thành đặc sản Gia Lai làm quà được thiên nhiên ban tặng.
– Gợi ý điểm mua: chợ trung tâm Pleiku
– Địa chỉ: phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
– Giá tham khảo: từ 300.000 vnđ/chai
Bơ sáp: Bơ là loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Mexico. Về tới Việt Nam, đất và gió Tây Nguyên đã làm cho loại quả này sinh sôi nảy nở với một hương vị không lẫn vào đâu được.
Bơ sáp là trái cây đặc sản Gia Lai ngon trứ danh. Quả bơ to trái nào trái nấy phải hơn bàn tay người lớn. Vỏ bóng, mỏng, mịn màng. Cùi bơ dày dặn, vàng ươm, dẻo quánh. Dùng dao cắt ra thì lát cắt phằng, thịt bơ trông vàng đều, thích mắt, nhìn là muốn ăn.
– Gợi ý điểm mua: chợ trung tâm Pleiku
– Địa chỉ: phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
– Giá tham khảo: từ 40.000 vnđ/kg
– Khi đi lại bằng xe máy hoặc ô tô tự lái tại khu vực này các bạn cần tuân thủ theo các luật lệ giao thông, đặc biệt là quy định về tốc độ. Ở các khu vực đầu vào thành phố hay trung tâm huyện thường có cảnh sát giao thông bắn tốc độ.
– Hệ thống biển chỉ đường ở Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung nhiều khi gây nhầm lẫn cho mọi người nên khi rẽ vào đường ngang các bạn cứ dò hỏi thêm người dân nơi đây.
– Người dân Phố núi Pleiku nói chung là thân thiện, nếu hỏi đường họ sẽ rất nhiệt tình hướng dẫn cho các bạn nhưng để đề phòng những trường hợp xấu nhất, các bạn cũng nên tham khảo cung đường trước bằng google maps hoặc bản đồ.
– Nếu đi Gia Lai vào mùa mưa, các bạn nên chuẩn bị kỹ càng áo mưa, giày dép thuận tiện và tránh đi vào những khu vực suối, thác vì thời điểm này thác nước chảy xiết, đá trơn, đường mòn bùn đất, lầy lội, rất nguy hiểm cho việc di chuyển.
– Du khách cũng nên mang theo áo khoác mỏng vì sáng sớm và tối muộn ở đây cũng lạnh hơn so với ban ngày.