Giá:
Quả thật bún mọc thì ở đâu cũng có cả. Ấy vậy mà những người con xứ Ninh Bình nói chung hoặc vùng Kim Sơn nói riêng thì đối với họ, những tô Bún mọc Kim Sơn bình dị với sợi bún trắng ngần, dăm ba viên mọc tròn mọng, giòn tan với nước dùng ngọt thanh của xương hầm lại ngon hơn cả.
Những tô Bún mọc Kim Sơn nổi tiếng với những viên mọc to bằng nắm tay trẻ em
Vốn là vùng đất ven biển sở hữu địa thế đặc biệt với “Đất – người – sông ngòi quần quýt bên nhau’, thế nên nền văn hóa ẩm thực của chốn Kim Sơn này cũng đặc biệt và đậm đà dấu ấn của ngôi làng ven biển. Vẫn là những khoanh xương ống heo hầm trong nhiều giờ liền, vẫn là những sợi bún trắng ngần với những viên mọc tròn lẳng, ấy vậy thôi mà lại gây thương nhớ đến lạ. Chỉ ngay từ khoảnh khắc đầu tiên nếm thử một tí nước lèo, bạn đã có thể cảm nhận được trọn vẹn cái vị ngọt của chốn đồng nội với đôi bàn tay khéo léo của những người dân chân chất vùng đất Kim Sơn này.
Thật ra, để có thể nấu ra được một tô Bún mọc Kim Sơn với trọn vẹn cái vị béo, vị ngọt và vị thanh cũng lắm công phu chứ chẳng dễ dầu gì. Bún phải là loại được làm từ gạo ngon đã được phơi khô, sau đó mang đi xay thành bột cho thật nhuyễn. Bột gạo sau đó sẽ được mang ngâm để khử đi độ chua vốn có.
Một tô bún đầy đủ với nào mọc, nào chả, thêm tí hành phi và hành lá cực kỳ chất lượng
Ngày trước, người dân thường làm bún hoàn toàn với phương pháp thủ công, nghĩa là dùng một tảng đá thật to để ép bột gạo chảy ra hết nước chua, sau đó mang đi lọc qua một chiếc khăn voan trắng sạch sẽ. Thế nhưng ngày nay, công đoạn xay bột, ép bột này đã trở nên giản đơn hơn một xíu với sự hỗ trợ của nhiều loại máy móc. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là sợi bún đã không còn giữ được trọn vẹn cái hồn nữa. Sợi bún được làm ra dưới đôi bàn tay của những người đầu bếp lành nghề nơi vùng đất Kim Sơn vẫn giữ trọn vẹn được nét đẹp truyền thống với những sợi bún ngả màu trắng, có độ dai và kích cỡ vừa vặn.
Một tô Bún mọc Kim Sơn là sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu dân dã với nào bún, mọc và nước dùng, rắc thêm tí hành phi, hành lá cho thêm phần sinh động. Những viên mọc cũng được nấu công phu chẳng kém gì những sợi bún giản đơn kia đâu.
Thịt được chọn để dùng làm mọc nhất định phải là loại thịt lợn ngon, tươi và vẫn còn ấm nóng. Thường thì mọi người sẽ ưu tiên dùng phần thịt mông đã được lọc sạch sẽ gân và mỡ. Thịt sau khi được sơ chế sạch sẽ sẽ bỏ vào máy xay để xay cho thật nhuyễn. Người đầu bếp cũng thường thêm thắt chút gia vị đơn giản với nào nước mắm, hạt tiêu và bột ngọt để cho những viên mọc đậm đà hơn.
Ngày nay, nhiều đầu bếp còn biến tấu thêm với sườn để tô bún càng hấp dẫn hơn
Phần mọc sau khi được xay nhuyễn sẽ được dàn đều lên một lớp lá chuối đã có phết sẵn. Việc này sẽ giúp cho những viên mọc có được mùi thơm thoang thoảng dễ chịu đặc trưng của lá sẽ lại càng hấp dẫn hơn. Người đầu bếp sẽ cho mọc vào nồi nước đang sôi, và luộc trong vòng từ 7 đến 10 phút. Đặc biệt hơn, những viên mọc trong tô Bún mọc Kim Sơn được vo thành viên to cỡ nắm tay trẻ em, đủ để cắn ngập răng chứ chẳng nhỏ bằng cỡ ngón tay bình thường.
Trước kia, những viên mọc chỉ đơn thuần là thịt heo được gia giảm thêm các loại gia vị để tăng thêm phần đậm đà. Thế nhưng ngày nay, để phù hợp với sở thích và nhu cầu ăn uống của nhiều người, mọc còn thường trộn thêm với nào mộc nhĩ, nấm hương băm nhuyễn và đôi khi là chút sụn heo sần sật hoặc những lòng đỏ trứng béo ngậy. Chính sự sáng tạo này đã góp phần làm nổi bật hơn cái độ ngon của mọc, đồng thời mang lại những trải nghiểm ẩm thực mới mẻ cho mọi người trong suốt hành trình khám phá Ninh Bình.
Không chỉ nổi bật với những viên mọc to bằng nắm tay trẻ em cùng những sợi bún trắng ngần, một tô Bún mọc Kim Sơn muốn ngon thì còn phải nói đến nước dùng và rau thơm – hai ‘gương mặt’ chẳng thể thiếu trong mỗi tô bún.
Trông tô bún có hấp dẫn chưa bạn ơi?
Nước dùng của bún phải có vị ngọt thanh cùng độ trong bắt mắt chứ không có váng mỡ. Để nấu được những nồi nước lèo chất lượng như thế, người đầu bếp phải ninh xương heo và vớt bọt liên tục trong nhiều giờ liền để nước lèo trong veo. Vốn trước kia, người ta chỉ dùng xương ống để hầm lấy nước, nhưng giờ đây tùy theo khẩu vị và sự sáng tạo của nhiều người đầu bếp mà có những quán còn sử dụng cả xương sườn nữa. Tuy nhiên, dù nấu bằng xương ống hay xương sườn thì nước lèo chuẩn xác nhất vẫn là nước lèo trong veo, có vị ngọt thanh tự nhiên của xương ống. Chắc chắn khi nếm thử một muỗng nước lèo, bạn chắc chắn sẽ bị hớp hồn ngay tắp lự!
Thông thường khi thưởng thức Bún mọc Kim Sơn, mọi người sẽ dùng kèm với các loại rau thơm theo mùa, chẳng hạn như hoa chuối, kinh giới, tía tô, húng quê, giá, rau răm, v.v. vắt thêm tí chanh, tắc hoặc thêm vài giọt dấm ớt, hạt tiêu để tăng thêm hương vị đậm đà.