Giá:
Chùa Non Nước Ninh Bình còn có tên gọi khác là Chùa Dục Thúy Sơn nằm dưới chân ngọn núi Non Nước, bên bờ sông Đáy và cửa sông Vân Chùa, thuộc phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình. Chùa cách Hang Múa 7 km, cách Tràng An Hoa Lư gần 9km. Chùa Non Nước với diện tích 2000m2 có tầm nhìn vô cùng hùng tráng. Đứng từ đây bạn có thể thấy toàn bộ cảnh quan rộng lớn nhưng lại cảm thấy như được đứng ở một nơi tách biệt hẳn cuộc sống xô bồ ngoài kia. Vậy nên mỗi năm chùa Non Nước đón hàng nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế về tham quan và chiêm bái.
Chùa nằm gần KDL Tràng An nên thường nằm trong lịch trình ghé thăm của du khách
Ngôi chùa trang nghiêm và mang nhiều dấu ấn thời gian của mảnh đất Ninh Bình. Ảnh: @namtuan
Ngôi chùa được xây dựng bởi quốc sư Nguyễn Minh Không dưới thời vua Lý Nhân Tông, sang thế kỷ 13 dưới thời Trần thì được trùng tu lại bởi nhà sư Trí Nhu và được danh sĩ Trương Hán Siêu đặt cho một cái tên khác là “Dục Thúy Sơn”.
Ngôi chùa Non Nước này không chỉ là nhân chứng cho lịch sử chuyển giao chế độ quan trọng giữa nhà Đinh và nhà Lê mà còn là vị trí thiết yếu trong chiến lược ở ngã ba sông Đáy – sông Vân – quốc lộ 10 vào thời kì kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta. Qua dòng chảy thời gian hơn vài trăm năm, ngôi chùa Non Nước Ninh Bình hiện tại không còn giữ nguyên vẹn kiến trúc xa xưa. Ngôi chùa đã được trùng tu lại vào năm 2006, và là di tích vô cùng quan trọng của Ninh Bình.
Chùa Non Nước cách trung tâm Hà Nội không quá xa, chỉ với 1,5 đến 2 giờ đi xe rất thuận tiện để bạn di chuyển. Bạn có thể đi bằng xe máy, ô tô, xe buýt đến chùa theo đoạn đường mà cungdi.net gợi ý cho bạn dưới đây:
- Xe máy hoặc ô tô tự lái: Từ Hà Nội bạn đi theo hướng đường Giải Phóng sau đó rẽ lối Pháp Vân - Cầu Giẽ, đến với thành phố Phủ Lý tiếp theo là đến với thành phố Ninh Bình. Chùa nằm ngay trong thành phố, từ bến xe Ninh Bình chạy dọc theo đường Lê Đại Hành chỉ khoảng 1km là bạn có thể đến nơi rồi.
- Xe khách/buýt: Bạn cũng có thể đón xe buýt từ bến xe Giáp Bát hay đặt vé của các hãng xe chạy tuyến Ninh Bình-Hà Nội. Vé xe cũng khá rẻ chỉ dưới 100.000VNĐ. Và từ thành phố Ninh Bình, bạn có thể tự thuê xe máy hoặc taxi để di chuyển đến viếng thăm chùa Non Nước.
Non Nước mở cửa quanh năm, nên bạn có thể đi bất cứ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên nếu được, bạn hãy cố gắng sắp xếp lịch trình để ghé nơi đây và cũng như các địa điểm tâm linh tại Tràng An vào dịp Tết Âm lịch. Đây là lúc mà thời tiết miền Bắc vô cùng đẹp, khi không khí vẫn còn hơi se lạnh.
Tết thường có hoạt động vẽ chữ của ông đồ ngay tại chùa Non Nước. Ảnh: @tuananhi
Chùa Non Nước với khuôn viên 2000m2, toàn bộ ngôi chùa được xây bằng đá dưới thời vua Lý Nhân Tông.
Nổi bật nhất chính là chánh điện nằm ở trung tâm, gây ấn tượng cho khách tham quan với hệ thống mái kép, lợp ngói màu xanh đỏ bắt mắt. Mái chùa được thiết kế theo phong cách truyền thống với phần đuôi cong vút lên trời và phần đỉnh được trang trí bởi những nét chạm trổ rồng phượng uốn lượn đầy cuốn hút.
Kiến trúc độc đáo của chùa Non Nước. Ảnh: @andrea_.rp
Bên trong đền thờ chính là một bức tượng Phật khổng lồ được dát vàng ở chính giữa với nhiều bức tượng nhỏ bên cạnh. Đây cũng là nơi để đón tiếp du khách đến hành hương, lễ bái và cầu nguyện mỗi ngày nên không gian lúc nào cũng nghi ngút khói hương, đem đến cảm giác linh thiêng và kỳ bí.
Chùa Non Nước có 2 cổng, một cổng ra vào ở phía Bắc, một cổng ở phía Đông Nam nhìn ra sông Đáy và đây cũng là cổng để nhiều người chọn ra thả cá vào mỗi dịp ông Công ông Táo chầu trời trong những ngày giáp Tết m lịch. Và ngay khi bước qua cánh cổng, bạn sẽ bắt gặp ngay một tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cùng với nhiều tượng đá khác ở sân chùa.
Tượng Quan Âm sừng sững giữa sân chùa
Khuôn viên chùa cũng khá rộng và được phủ xanh với rất nhiều cây. Từ cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho đến những chậu bonsai được cắt tỉa tỉ mỉ thành nhiều hình dáng độc đáo, thậm chí còn có cả những dàn cây leo phủ kín cả bờ rào. Và có một điểm rất hay đó là nếu bạn chịu khó đi lúc sáng sớm, khi sương mù còn vương thì bạn sẽ cảm giác như đang lạc vào chốn thần tiên đầy thơ mộng nào đó.
Những nhân sĩ nổi tiếng như Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi và Trương Hán Siêu còn đề thơ ca để ca ngợi vẻ đẹp này. Điển hình là trong bài “Dục Thúy Sơn” Nguyễn Trãi đã viết:
“Bóng tháp hình trâm ngọc
Gương soi ánh tóc huyền”
Hay vua Lê Thánh Tông cũng đã từng ca ngợi:
“Nơi gọi là Bồng, nơi gọi là Nhược
Hai bên góp làm Non Nước”
Đứng từ chùa, bạn có thể nhìn trọn cảnh sắc của núi non Ninh Bình và tận hưởng không khí trong lành, bình yên, khác xa với những ồn ào tất bật nơi đô thị.
Không khí linh thiêng ở nơi đây thu hút rất nhiều du khách phương xa ghé thăm