Giá:
1. Bánh tài lồng ếp là bánh gì?
Bánh tài lồng ếp là món bánh truyền thống của người dân tộc Sán Dìu ở Quảng Ninh. Không chỉ là món ăn chơi, bánh tài lồng ếp còn là món bánh dùng để cúng năm mới của người Sán Dìu. Trong quan niệm của người Sán Dìu, Tết đến mà không có bánh tài lồng ếp thì chưa được gọi là Tết lớn.
Chính vì thế, khi đi đến các đền, chùa, miếu ở các khu vực như Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả... du khách có thể thấy bánh tài lồng ếp được bày bán rất nhiều. Nhất là trong các dịp lễ Tết thì lại càng nhiều hơn. Nhờ hương vị thơm ngon và cái tên gây tò mò, bánh tài lồng ếp dần trở nên phổ biến, được nhiều du khách phương xa biết đến.
Tài lồng ếp là món bánh truyền thống của người Sán Dìu
Bánh thường được cắt thành từng miếng để bán lẻ hoặc để nguyên cái lớn dùng làm đồ cúng. Giá bán bánh tài lồng ếp khá bình dân, một miếng nhỏ cỡ lòng bàn tay có giá khoảng 5.000đ. Loại bánh tài lồng ếp được rán giòn thì có giá cao hơn, khoảng 10.000đ/ miếng. Qua nhiều năm, bánh tài lồng ếp đã trở thành đặc sản du lịch Hạ Long được nhiều du khách ưa thích.
2. Vị ngon của bánh tài lồng ếp
Bánh tài lồng ếp thường có hình tròn, màu nâu, lấm tấm lớp vừng rắc bên trên. Bánh khá dày, phải dùng dao khi muốn cắt thành từng miếng. Bánh có vị ngọt, được làm bằng cách hấp và sau khi hấp có thể chiên giòn.
Đây là món bánh bình dân nhưng cách làm lại cầu kỳ và phải bỏ nhiều công sức. Đầu tiên, bột nếp được cho vào nấu với mật mía hoặc đường phèn với tỷ lệ phù hợp, thường là nửa ký bột sẽ cho nửa ký đường. Đường để cho vào nhào bột cũng phải chế biến cẩn thận. Đó là đem nấu chảy đường phèn với gừng giã dập để tạo mùi thơm rồi mới cho bột vào nhào với nước đường vừa nấu.
Làm bánh tài lồng ếp cần nhiều công sức
Tiếp đó là công đoạn nhào bột. Công đoạn này rất mất sức vì phải làm bằng tay hoàn toàn. Bột cần được nhào đến khi không còn dính tay và dẻo quánh mới thôi. Sau đó, bột được dàn lên lá chuối, rắc vừng và đậu phộng lên mặt bánh rồi lót thêm một lớp lá chuối nữa. Cuối cùng là công đoạn hấp bánh.
Công đoạn này cũng công phu không kém. Với bánh mỏng, thời gian hấp là 6 – 8 tiếng. Với bánh dày, thời gian hấp có thể lên tới 12 tiếng. Bánh cần hấp thời gian lâu như vậy mới chín mềm và thơm được. Người làm muốn biết bánh đã chín chưa thì dùng một cây đũa xiên qua, bột không còn dính vào đũa là đã chín, bột còn dính đũa là chưa chín.
Khi chín, bánh tỏa ra mùi thơm thoang thoảng của gừng và vị ngọt của đường phèn rất hấp dẫn. Bánh chín rồi có màu vàng nâu, bên trên là lớp vừng và đậu phộng bắt mắt và hương vị dẻo thơm của nếp, ngọt dịu của đường phèn. Bánh thường được ăn khi đã nguội vì khi đó độ ngọt của bánh đã vừa miệng, không bị nồng. Nhiều du khách du lịch Hạ Long và được thưởng thức bánh tài lồng ếp đã tỏ ra rất thích thú với món bánh này.
3. Bánh tài lồng ếp bán ở đâu ngon?
Là món ăn bình dân nên bánh tài lồng ếp khá phổ biến ở Hạ Long. Tuy nhiên, bánh ngon và thường có nhất là dọc con đường lên đền Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả. Vào các dịp lễ Tết, người dân Hạ Long thường mua bánh tài lồng ếp về để cúng năm mới. Sau đó, khi đã cảm thấy ngấy với bánh chưng, các loại thịt, giò... người ta đem bánh tài lồng ếp xuống cắt ra thành từng miếng, ăn cho đổi vị.
Bánh tài lồng ếp còn được dùng để cúng năm mới
Khi có khách đến nhà, chủ nhà sẽ đem bánh tài lồng ếp ra để chủ và khách cùng nhâm nhi với trà xanh. Có người thích để nguyên bánh hấp ăn, có người lại thích chiên giòn lên hoặc nướng qua lửa. Cảm giác ngồi uống trà ăn bánh tài lồng ếp thật thú vị. Hương thơm của trà xanh và vị hơi chát của trà hòa quyện với vị ngọt của bánh, vị thơm của gừng khiến không khí Tết càng thêm ấm cúng.
Có cơ hội đến Hạ Long du lịch, bên cạnh việc thưởng thức các món hải sản nổi tiếng của Hạ Long thì du khách nên nếm thử món bánh tài lồng ếp nhé. Món bánh này không chỉ lạ miệng, ngon lành mà còn mang hương vị của người Sán Dìu đất Quảng. Thưởng thức bánh tài lồng ếp cũng là trải nghiệm sự chân chất và ngọt ngào đầy bình dị của người dân nơi đây.