Giá:
Khu di tích Yên Tử thuộc vùng đất Yên Tử nổi danh là đất Phật linh thiêng, là hệ thống chùa chiền với lối kiến trúc truyền thống, hấp dẫn du khách gần xa. Khu di tích được xây dựng trên núi Yên Tử, còn được người dân gọi là núi Tượng Đầu, ngọn núi nằm giữa ranh giới của 2 tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Với độ cao 1068 mét so với mực nước biển, nơi đây có thảm động thực vật vô cùng đa dạng, phong phú.
Khu di tích Yên Tử tọa lạc trên đỉnh núi, không gian thanh bình và trang nghiêm
Khu di tích Yên Tử là nơi quy tụ các di tích lịch sử, công trình văn hóa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây sở hữu phong cảnh núi non hữu tình, khí hậu trong lành, thiên nhiên phong phú, đã trở thành điểm sáng trong du lịch văn hóa và tâm linh của Quảng Ninh.
Quảng Ninh như hầu hết các tỉnh thành miền Bắc, đều có kiểu thời tiết với 4 mùa rõ rệt. Để có khoảng thời gian tuyệt vời nhất tại vùng đất Phật Yên Tử, cungdi.net khuyến khích bạn nên đến đây vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch hàng năm. Lúc này là mùa xuân, thời tiết mát mẻ,những cơn mưa xuân lất phất cùng không khí lễ hội chắc chắn là điều mà du khách mong chờ được trải nghiệm.
Quần thể di tích Yên Tử với cây xanh, chùa chiền, tượng Phật vô cùng hài hòa
Tuy nhiên có một vài vấn đề cungdi.net muốn bạn lưu ý, đó là:
Nếu muốn tận hưởng không khí lễ hội tưng bừng nhất thì du khách nên đến Yên Tử vào ngày khai hội là mùng 1 tháng 10 Âm lịch. Tuy nhiên, giai đoạn này nơi đây thu hút rất đông du khách đổ về nên nếu bạn không thích phải chen chúc đông đúc, hoặc đi cùng gia đình có người già, trẻ em thì nên cân nhắc kỹ lưỡng.
Còn sau tháng 3 Âm lịch trở đi thì lượng du khách đi hội bắt đầu thưa thớt dần, thời tiết mùa hè cũng khá lý tưởng để bạn đi du lịch. Bên cạnh đó, mùa này số lượng du khách thưa thớt hơn nên sẽ rất phù hợp cho những ai thích đi hội mà lại không thích đông người.
Lượng du khách đổ về Yên Tử dịp lễ hội vô cùng đông đúc
Ngoài ra, nếu chỉ đơn thuần là bạn muốn đi du lịch Hạ Long và tìm kiếm điểm đến tâm linh, văn hóa lý tưởng thì mùa nào cũng có thể ghé khu di tích Yên Tử. Chỉ cần theo dõi trước tình hình thời tiết, tránh những ngày mưa bão thì hành trình của bạn chắc chắn sẽ vô cùng thú vị.
Đến đến được khu di tích Yên Tử thì đầu tiên du khách cần lên núi. Có hai phương thức di chuyển được ưa chuộng là đi bộ và đi cáp treo.
Đoạn đường lên núi Yên Tử khoảng 6km. Vì vậy để một người bình thường leo núi thì sẽ mất khoảng từ 6 đến 8 tiếng, trong điều kiện thưa người và thời tiết thuận lợi. Đi bộ vừa là hình thức để rèn luyện, tăng cường thể lực, đồng thời cũng là một thử thách thú vị trong hành trình chinh phục Yên Tử. Hành trình này tuy vất vả nhưng cũng là cơ hội để bạn chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hoang sơ của cảnh vật núi rừng hùng vĩ nơi đây.
Hành trình sẽ bắt đầu từ bãi đỗ xe, du khách đi khoảng 300 mét sẽ đến suối Giải Oan, rồi leo qua đường Tùng cổ đến Tháp Tổ, đến chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái và cuối cùng là chùa Đồng.
Quần thể khu du lịch Yên Tử với cảnh quan vô cùng hấp dẫn
Nếu không muốn leo núi vất vả thì du khách cũng có thể lựa chọn đi cáp treo Yên Tử để chinh phục khu di tích này. Tại đây có hệ thống cáp treo khá hiện đại, tổng chiều dài 1,2 mét, ở độ cao 450 mét. Vì thế bạn chỉ cần 10 đến 15 phút đã có thể lên đến đỉnh Yên Tử hùng vĩ.
Giá vé tham khảo của dịch vụ cáp treo như sau:
Vé khứ hồi: 350.000 VNĐ/người
Vé một chiều: 200.000 VNĐ/ 1 người/ 1 tuyến
Người già trên 70 tuổi và trẻ em dưới 1,2 mét: Vé miễn phí
Tiếp theo hãy cùng cungdi.net điểm qua những điểm đến hấp dẫn thuộc khuôn viên Yên Tử nhé.
Chùa Trình hay còn có tên gọi là chùa Bí Thượng hoặc đền Trình. Ngôi chùa tọa lạc ở độ cao 1000 mét so với mực nước biển, giữa núi non hùng vĩ. Chùa Trình đã được xây dựng với lịch sử gần 400 năm cùng lối kiến trúc độc đáo. Nơi đây nổi tiếng là ngôi chùa ngút tầm mây, gần như đã chạm đến trời xanh của Yên Tử, đồng thời cũng là điểm đến thu hút đông đảo du khách.
Chùa Trình với lối kiến trúc truyền thống, được trang trí tinh xảo với những họa tiết quen thuộc trong kiến trúc đền chùa Việt Nam
Không gian chùa Trình rất thanh tịnh, tĩnh mịch và yên bình với cây cối xanh mướt, tiếng suối chảy róc rách cùng tiếng chim hót líu lo. Ngôi chùa được xây dựng trở thành điểm đến tâm linh linh thiêng, là đức tin của Phật tử Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh thành lân cận tại miền Bắc.
Trên hành trình khám phá khu di tích Yên Tử, du khách sẽ băng ngang qua suối Giải Oan trong xanh, uốn lượn. Nơi đây gắn liền với câu chuyện hàng trăm cung nữ đã trầm mình để ngăn cản việc vua Trần Nhân Tông quyết định quy y cửa Phật.
Suối Giải Oan chảy róc rách hàng ngàn năm qua
Trong quá trình tham quan núi Yên Tử rộng lớn, việc dừng lại tại con suối mát lành này chắc chắn sẽ là một lựa chọn đúng đắn. Vừa có thể giúp du khách được chiêm ngưỡng cảnh núi non thơ mộng, vừa hít thở không khí trong lành.
Chùa Hoa Yên ở độ cao 535 mét so với mực nước biển, nên nơi đây còn có tên gọi là Phù Vân vì đỉnh núi lúc nào cũng chìm trong mây khói lãng đãng. Bên cạnh chùa Hoa Yên là chùa Cả, nơi từng là một cái am nhỏ để vua Trần Nhân Tông giảng đạo. Đến nay, ngôi chùa này trở thành điểm tham quan, hành hương quen thuộc của các tín đồ Phật Giáo.
Chùa Một Mái còn có tên gọi khác là chùa Bồ Đà. Chùa được xây dựng ẩn nửa mình bên trong hang động, một nửa nhô ra bên ngoài. Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời, được bao phủ bởi núi đá, cây cối, có không gian thanh tịnh, hài hòa cùng thiên nhiên.
Chùa Một Mái ẩn mình giữa hàng ngàn tán cây xanh mướt
An Kỳ Sinh nổi tiếng là một tảng đá tự nhiên có hình thù giống như một tu sĩ đang chắp tay thành kính. Với đức tin của mình, người dân đã lập nên am thờ An Tử - là vị tu sĩ đã tạo nên rất nhiều phương thuốc cổ truyền chữa bệnh cứu người.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ đồng nguyên khối, oai nghiêm giữa đất trời Yên Tử
Còn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông thì ở độ cao 1.100m, nằm giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ, nguy nga. Tượng được người dân đúc bằng đồng nguyên khối, khối lượng đến 138 tấn, cao tới 12,6m. Bức tượng này chính là biểu tượng để ghi tạc công ơn của vua Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là điểm tham quan, lễ Phật thu hút đông đảo du khách.
Ngoài ra tại khu di tích Yên Tử du khách còn có thể ghé thăm chùa Đồng, vườn tháp Huệ Quang, am Ngọa Vân, cổng trời - bia Phật, chùa Bảo Sái… Hi vọng với những thông tin cungdi.net đã chia sẻ, du khách sẽ có những trải nghiệm thật thú vị tại vùng đất linh thiêng này nhé.