Đi trên Quốc lộ 4C – hay còn được gọi với cái tên “đường Hạnh Phúc”, vượt qua dốc Bắc Sum ta sẽ đến với Cao nguyên đá Đồng Văn hay còn gọi là Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn.
Nội dung chính
Đến với cao nguyên miền đá xám, đến với quê hương sinh sống của 17 dân tộc anh em đã đoàn kết vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt, biến những dãy núi đá tai mèo khô cằn phải khơi sinh sự sống, nở hoa.
Trải rộng trên 4 huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mực nước biển trên diện tích hơn 2.354km². Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với du khách và những nhà nghiên cứu khoa học bởi chúng chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, những cảnh quan đặc sắc, tính đa dạng sinh học cao. Theo khảo sát của các nhà khoa học Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thì Cao nguyên đá Đồng Văn có 11 hệ tầng địa chất gồm: Chang Pung, Lutxia, Sika, Làng Xảng, Si Phai, Tốc Tát, Lũng Nậm, Bắc Sơn, Đồng Đăng, Sông Hiến và Hồng Ngài, trong đó Chang Pung là hệ tầng cổ nhất có niên đại hơn 545 triệu năm.
Người dân nơi đây có câu nói “sống trên đá, chết vùi trong đá”. Cao nguyên đá Đồng Văn với bạt ngàn là đá núi. Đá dựng thành giăng lũy, đá bao phủ khắp núi non hiểm trở, lớp nọ chồng lớp kia đủ các hình thù kỳ dị như cuộc triển lãm các hòn non bộ kỳ vĩ, khổng lồ của đất trời. Đá vốn rắn đanh khắc khổ mà khi quần tụ bên nhau trên Cao nguyên Đồng Văn cũng như biết khoe mình làm dáng với thiên hình vạn trạng làm nên những “vườn đá”, “rừng đá” độc đáo. Ở nơi đây, đá như có số phận, đá như có linh hồn. Trẻ em sinh ra, núm ruột hồng được vùi vào trong đá. Trai gái yêu nhau, tỏ tình bên bờ rào đá. Người chết đi, lại được vùi vào trong lòng đá. Những phiên chợ rực rỡ sắc màu, cũng hiện lên từ đá. Đá làm nhà, làm bờ rào và giữ nước cho những mùa khô.
Với gần 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, cộng với địa hình núi cao, khí hậu khắc nghiệt. Ngoài cây lương thực là ngô ra, thì diện tích đất trồng được lúa và những cây hoa màu khác là rất hiếm. Và có lẽ, kỹ thuật canh tác trên miền đá xám Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những hình ảnh về cuộc mưu sinh không có ở bất cứ nơi đâu.
Nếu ai đến Cao nguyên đá Đồng Văn vào những ngày tháng Hai, tháng Ba sẽ thấy trên vững triền đá xám người dân nơi đây từ trẻ nhỏ, người già, đàn bà, đàn ông còng lưng gùi đất từ những thung sâu đổ vào từng khe đá, để có đất tra từng hạt ngô. Qua ba lần vun gốc và bón phân, qua những đêm dài khắc khoải lo lắng cầu cho mưa thuận, gió hoà những cây ngô nơi đây mới trổ hoa và ra bắp. Mỗi hạt ngô, hạt thóc là một giọt mồ hôi. Để tháng Tám về, từ trẻ nhỏ, người già, đàn bà, đàn ông nơi đây lại lên nương thu hoạch vụ mùa. Để những căn bếp lại thơm lừng mùi ngô mới. Để những khát vọng no ấm, hạnh phúc lại thôi thúc đồng bào nơi đây mạnh mẽ vươn mình lên trong lòng đá khô cằn.
Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi mà nhà địa chất hàng đầu Lê Bá Thảo đã nói: “nơi có phong cảnh tuyệt đẹp”, “ không có cảnh nào hùng vĩ và đáng kinh ngạc hơn”. Và với nhiều du khách khi đặt chân tới nơi đây, thì Cao nguyên đá Đồng Văn được nhắc tới là “miền đất gây thương nhớ”. Còn với tôi, Cao nguyên đá Đồng Văn vừa gần gũi thân quen, vừa xa lạ, vừa ngỡ ngàng. Bởi nơi đây, cảnh sắc thiên nhiên luôn thay đổi từng ngày, từng mùa trong năm với những loài hoa muôn sắc hương.
Phải chăng, tạo hóa luôn công bằng. Một vùng đất khô cằn, một cao nguyên bạt ngàn đá xám đến cây ngô cũng phải một nắng hai sương trải qua nhiều tháng mới được ra bắp. Đến cây bí, cây đậu cũng chẳng thể nảy mầm trong tiết trời mùa đông băng giá kéo dài. Đến vạt cỏ trên nương cũng héo úa khi mùa khô tới. Nhưng, lại thật ngỡ ngàng khi các mùa trong năm ở Cao nguyên đá Đồng Văn lại bật lên một sức sống của nhiều loài hoa.
Mùa Xuân, khi những hạt mưa phùn rơi nhẹ trong tiết trời ấm áp thì cũng là lúc Cao nguyên đá Đồng Văn rực rỡ sắc hồng của đào phai, miên man sắc trắng tinh khôi của hoa mận, hoa lê trên những đỉnh núi cao hay ngay bên dọc quốc lộ. Để cuối Xuân, khi tiết trời tháng Ba dịu nhẹ, trên dải đèo Mây, trai, gái khắp nơi lại rộn ràng tụ hội về trong phiên chợ Phong lưu Khâu Vai. Còn khi hè sang, những địa danh như Na Khê, Lao Và Chải hay Tráng Kìm, Pả Vi, Xín Cái, Sơn Vĩ… ta lại bắt gặp màu trắng của hoa trẩu, màu đỏ rực lửa của những bông hoa gạo trải dài trên khắp các đỉnh núi in bóng xuống dòng Nho Quế, sông Miện. Hoà cùng với sắc xanh của trời đất, là những nương ngô bung phấn xanh mướt, là những cành đào, cành lê, cành mận trĩu quả… và ai đó lại nói: mùa no ấm lại về.Tới mùa Đông, khi tất cả muôn loài phải ngủ đông, khi hoa màu cũng khan hiếm thậm chí trâu, bò cũng khó có thể chịu được cái giá rét ở nơi đây. Thì thật lạ kỳ, đây lại là thời điểm Cao nguyên đá Đồng Văn rực rỡ nhất, là thời điểm mà “Đá thật sự nở hoa”. Đi dọc Quốc lộ 4C, trong các bản làng, trên những triền đá hay dưới thung sâu ta dễ bắt gặp và được chiêm ngưỡng sắc tím hồng của loài hoa tam giác mạch, màu tím biếc của hoa bạc hà, màu cam của hoa cúc và màu trắng của những bông xuyến chi, màu vàng rực rỡ của những cánh đồng hoa cải vàng miên man đi từ mùa Thu sang mùa Đông và qua cả vào Xuân… để cho đá nở hoa bốn mùa.
Với những giá trị địa chất, địa hình, tính đa dạng sinh học và các giá trị văn hoá độc đáo, riêng có đã đưa Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang trở thành Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên ở Việt Nam (ngày 1.10.2010).
Trải qua hơn mười năm xây dựng và phát triển, qua hai lần tái thẩm định, Cao nguyên đá Đồng Văn đã luôn giữ vững thương hiệu là Công viên địa chất toàn cầu, và trở thành địa chỉ đỏ không thể bỏ qua đối với các nhà khoa học, đối với tất cả du khách trong nước cũng như quốc tế khi đến với Hà Giang. Và là niềm vinh dự và tự hào của tất cả người dân Hà Giang khi nhắc tới.
Hơn mười năm xây dựng và trưởng thành, từ thực tế cho thấy, du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn đang không ngừng phát triển đi lên cả về lượng và chất. Điều làm nên tính hấp dẫn, đó chính là đặc thù của những di sản mà nó sở hữu. Do vậy, việc đầu tư phát triển du lịch Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn luôn được tỉnh Hà Giang cân nhắc cẩn trọng, vì Hà Giang luôn hiểu rằng nếu đầu tư phát triển không phù hợp sẽ phải trả giá. Nếu đánh mất đi những quà tặng vô giá mà thiên nhiên ban tặng, sẽ vĩnh viễn không lấy lại được. Nhận thức rõ về vấn đề này, trong phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang luôn nhận định: Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; phát triển phải đi đôi với gìn giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của địa phương.
Trong các chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch từ trung ương tới địa phương, như: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến 2030… đều khẳng định vai trò của Cao nguyên đá Đồng Văn đối với phát triển du lịch Việt Nam, xác định Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trong danh sách các khu du lịch Quốc gia. Đặc biệt, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 310/QĐ – TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 – 2020, tầm nhìn 2030”. Tháng 11.2021, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết 19 về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng, là tiền đề để Hà Giang triển khai xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia, góp phần phát triển du lịch và kinh tế – xã hội của tỉnh.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo dựng thương hiệu cho du lịch Hà Giang nói chung, Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng. Trong những năm qua, công tác bảo tồn các giá trị di sản địa chất, các giá trị văn hoá phong tục tập quán để xây dựng trở thành sản phẩm du lịch cũng như công tác xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện… luôn được tỉnh ưu tiên triển khai thực hiện. Ngoài ra, việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực tham gia trực tiếp cũng như gián tiếp trong lĩnh vực dịch vụ là rất quan trọng và luôn được Hà Giang đặc biệt quan tâm. Trong vài năm trở lại đây, nhiều công trình dịch vụ mới đã mọc lên trên miền đá xám, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, một lượng lớn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã có thêm việc làm ngoài canh tác nông nghiệp, đời sống sinh hoạt của một bộ phận người dân được nâng lên. Điều này càng khẳng định thêm rằng, sự phát triển của ngành du lịch đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, làm thay đổi diện mạo của Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng, của cả tỉnh Hà Giang nói chung.
Những thành quả mà ngành du lịch mang lại còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Cao nguyên đá Đồng Văn. Đó là động lực, là nền tảng để người dân nơi đây an tâm sản xuất, giữ vững an ninh biên giới, phát triển kinh tế thông qua nuôi, trồng, chế biến các sản vật của địa phương thành hàng hóa cung ứng cho khách du lịch, cho thị trường trong nước và quốc tế, như: Mật ong bạc hà, sản phẩm hàng dệt lanh thổ cẩm, bánh tam giác mạnh, rượu ngô men lá, thị bò khô… Là cầu nối đưa đồng bào dân tộc nơi đây tiếp cận với những văn minh, tiến bộ của xã hội. Là niềm tự hào, là chìa khoá để mang lại ấm no, hạnh phúc cho cuộc sống của người dân nơi địa đầu của Tổ quốc.
Vừ Mai Hương (Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch) – BHG
Bình luận
Bài viết mới
Bài viết liên quan