Trong hành trình khám phá du lịch Huế, bạn không thể không ghé thăm đầm Chuồn. Đầm Chuồn ở Huế “đốn tim” du khách bởi bức tranh thiên nhiên phong cảnh hữu tình và thiên đường ẩm thực vô cùng đặc sắc. Khu đầm này thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang rộng lớn và là điểm đến yêu thích của các bạn trẻ đam mê khám phá.
1. Đôi nét về đầm Chuồn ở Huế
Đầm Chuồn (đầm Cầu Hai) là địa điểm quen thuộc trong bản đồ du lịch Huế. Khu đầm nước lợ này có diện tích lên đến khoảng 100 ha. Đây là khu du lịch sinh thái cộng đồng khá nổi tiếng và hấp dẫn nhiều du khách tham quan, trải nghiệm.
Khung cảnh đầm Cầu Hai được tạo nên bởi mặt nước mênh mông, những con thuyền đang lướt nhẹ, những chắn sáo (hệ thống nuôi hải sản trên đầm) và những nhà chồ độc đáo. Nhà chồ là những căn nhà lán được dựng từ tre lồ ô, có diện tích rộng khoảng 5 m2. Đây vừa là nơi sinh hoạt của ngư dân vừa là nơi nghỉ ngơi, ngắm sao và ăn uống của khách du lịch.
2. Đầm Chuồn ở đâu? Đường đi đến đầm Chuồn Huế
Địa chỉ: làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12km.
Hướng dẫn đường đi đầm Chuồn Huế:
- Từ trung tâm thành phố Huế, đi vào đường Hoàng Hoa Thám, đi thẳng 300m
- Rẽ phải tại Chi cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình vào đường Lê Lợi, đi thẳng 900m
- Tiếp tục đi thẳng qua cầu Đập Đá vào đường Nguyễn Sinh Cung
- Đi thẳng thêm 2.2km, rẽ phải vào đường tỉnh 10A
- Đi chếch về phía trái vào đường Nguyễn Sinh Cung, đi thêm 6.6km
- Sau khi hết đường Nguyễn Sinh Cung, đi thẳng vào quốc lộ 49B thêm 1.6km
- Rẽ phải vào đường Triệu Việt Vương, đi thêm 550 m là đến đầm Chuồn ở Huế
Phương tiện di chuyển: Để ngắm nhìn trọn vẹn khung cảnh bên đường và di chuyển thuận tiện nhất thì bạn nên đi xe máy. Bạn có thể thuê xe máy Huế và tự mình đi đến đầm Cầu Hai. Chi phí thuê xe máy dao động từ 130.000 - 150.000 VNĐ/ngày.
3. Những hoạt động thú vị tại khu du lịch đầm Chuồn Huế
Với vẻ đẹp độc đáo và ẩm thực đặc sắc, đầm Chuồn ở Huế luôn có cực đông du khách ghé thăm. Địa điểm du lịch Huế này chắc chắn sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời.
3.1. “Săn” những bức hình cực chất
Quang cảnh đẹp tựa tranh vẽ tại đầm Chuồn ở Huế, đặc biệt là vào lúc bình minh sẽ giúp bạn có được bức hình siêu xinh. Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp được tạo ra bởi mặt trời ửng hồng, những con thuyền chở đầy tôm cá, những chiếc vó màu nâu vàng và những ngôi nhà chồ độc lạ.
Nhịp sống êm ả tại đầm luôn thu hút rất nhiều bạn trẻ đến check-in, ghi lại những cảnh đẹp của vùng đầm nước lợ. Đây cũng là điểm đến quen thuộc của rất nhiều nhiếp ảnh gia.
3.2. Ghé thăm làng An Truyền - nghe chuyện “loạn chày vôi”
Làng Chuồn (làng An Truyền) là nơi đặt nền móng cho cuộc khởi nghĩa “loạn chày vôi”. Cuộc khởi nghĩa này do Đoàn Hữu Trưng khởi xướng. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Chuồn, vốn thông minh, giỏi chữ nghĩa từ nhỏ.
“Loạn chày vôi” diễn ra vào thời vua Tự Đức, khi mà chế độ phong kiến ngày càng mục nát, cuộc sống người dân lâm vào cảnh lầm than, khốn khổ. Trước tình hình đó, Đoàn Hữu Trưng nổi dậy và mong muốn có thể chỉnh đốn, bảo vệ đất nước trước thực dân Pháp.
Có khoảng 3000 người tham gia vào cuộc khởi nghĩa này, gồm có binh lính, phu thợ xây Vạn Niên Cơ. Lực lượng nổi dậy này sử dụng chày vôi - dụng cụ lao động làm vũ khí nên cuộc khởi nghĩa mới có tên “loạn chày vôi”. Cuộc khởi nghĩa mặc dù thất bại nhưng cũng thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước, thương dân của Đoàn Hữu Trưng và những người tham gia.
3.3. Trải nghiệm ẩm thực trên thuyền độc đáo
Đến với đầm Chuồn ở Huế, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn ngon ngất ngây của vùng nước lợ ngay trên thuyền. Bạn có thể thuê một chiếc thuyền lớn với giá khoảng 100.000 VNĐ/thuyền trong 1 giờ lênh đênh trên đầm. Du khách sẽ được tự chế biến món ăn ngay tại thuyền và tận hưởng món tôm sú nướng thơm lừng, bánh xèo cá kình độc lạ hay bạch tuộc xào ớt cực kỳ hấp dẫn.
Nếu không thích thưởng thức đồ ăn trên thuyền lênh đênh, bạn có thể ghé vào các nhà hàng dựng giữa đầm. Những nhà hàng tại đây thường được làm từ cây tre đực, đặc ruột và cứng cáp. Một số nhà hàng nổi tiếng như: nhà hàng Đầm Chuồn Lagoon, nhà hàng Đầm Chuồn Hội quán, nhà hàng Đầm Chuồn An Phú…
3.4. Tham gia lễ hội rước Tổ làng Chuồn
Nếu đến làng Chuồn vào ngày 15,16,17 tháng 7 âm lịch thì bạn sẽ được tham gia lễ hội rước Tổ làng Chuồn. Đây là nét đẹp văn hóa cổ truyền đẹp đẽ cần được gìn giữ và bảo tồn ở mảnh đất cố đô.
Lễ hội làng Chuồn nổi bật hơn so với các lễ tế ở nơi khác. Lễ rước cung nghinh 3 vị Thành Hoàng được cử hành cực kỳ long trọng và đẹp mắt. Đám rước với lỗ bộ, cờ xí và kiệu lòng vô cùng đầy đủ. Trong lễ có tổng cộng 3 chiếc kiệu rước được đặt cách đều nhau. Điểm đặc biệt của đám rước là mỗi năm dân làng sẽ thay đổi vật thờ cúng hoặc linh vật của lễ hội. Bức tranh rực rỡ đủ loại sắc màu từ các bộ lễ phục cổ truyền, áo lính, cờ xí, kiệu lọng.
3.5. Trải nghiệm cuộc sống ngư dân
Đến du lịch đầm Chuồn tại Huế, bạn sẽ được thử một ngày làm ngư dân và trải nghiệm cuộc sống của một người dân địa phương. Cùng bạn bè thuê nhà chồ và thuyền rồi đi đánh bắt cá, thưởng thức đặc sản thơm lừng ngay tại khu đầm mênh mông chắc chắn sẽ là kí ức khó quên với mọi du khách. Đừng quên chiêm ngưỡng cảnh sắc bình minh, hoàng hôn tuyệt đẹp và ngắm nhìn bầu trời đầy sao giữa thiên nhiên rộng lớn.
4. Khám phá đặc sản đầm Chuồn ở Huế
Ăn trưa ở Huế, bạn có thể thưởng thức ngay đặc sản đầm Chuồn ngon khó cưỡng với các món như:
- Bánh khoái cá kình
Nguyên liệu làm bánh khoái cá kình: bột mì trộn cùng bột gạo làng An Truyền, giá đỗ, ít rau húng quế và con cá kình tươi ngon ngay tại đầm. Người dân đổ bánh khoái giống như cách đổ bánh xèo nhưng khác ở gia vị và nguyên liệu làm bánh. Ngoài ra còn rất nhiều loại nhân hải sản khác cho bạn lựa chọn.
- Cháo bột xắt tại chợ đầm Chuồn Huế
Cháo bột được nhào nặn, vắt thành cục rồi nén vào các ống nhựa. Sau khi bạn gọi món, chủ quán sẽ dùng dao xắt (cắt) thành sợi rồi thả vào nồi nước đang sôi và cho ra bát. Cho thêm một chút nhân thịt heo, tôm, cá lóc và nước chan là bạn đã có ngay tô cháo ngon lành.
- Bún nghệ xào lòng
Sợi bún được xào với nghệ nên có màu vàng cực đẹp mắt. Trong bát bún có thêm rau răm và phần lòng đã được sơ chế sạch.
5. Kinh nghiệm du lịch đầm Chuồn ở Huế
5.1. Thời gian du lịch đầm Chuồn ở Huế đẹp nhất
Theo review đầm Chuồn Huế, bạn nên đi du lịch vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8. Đến đầm vào thời điểm này, bạn sẽ được tận hưởng thời tiết khô ráo, tham gia lễ hội làng Chuồn (tổ chức tháng 7 âm lịch) và hòa mình trong không khí nhộn nhịp của mùa thu hoạch hải sản.
5.2. Đặc sản đầm Chuồn ở Huế mua về làm quà
Bạn đang phân vân rằng tại đây có gì để mua về làm quà cho người thân và bạn bè? Đừng lo, đặc sản đầm Chuồn Huế cực kỳ phong phú và đa dạng. Bạn có thể thoải mái lựa chọn từ bánh tét, mắm cá rò đến mắm tôm sú, mắm tép, rượu làng Chuồn.
Gần đầm Chuồn, bạn còn có thể ghé thăm rất nhiều điểm tham quan đẹp và hấp dẫn tại mảnh đất cố đô. Một số địa danh nổi tiếng không thể bỏ lỡ như: phá Tam Giang, biển Thuận An, hồ Khe Ngang, đồi Thiên An, Hồ Thủy Tiên, vịnh Lăng Cô, đầm Lập An, Kinh thành Huế, đồi Vọng Cảnh, cầu Tràng Tiền...
Để có chuyến khám phá cố đô mộng mơ trọn vẹn, bạn nên tìm cho mình một điểm lưu trú thích hợp. Melia Vinpearl Hue là thiên đường nghỉ dưỡng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mọi du khách.
Melia Vinpearl Hue có tầm nhìn cực đẹp: “hướng sông Hương, tựa núi Ngự”. Nghỉ dưỡng tại khách sạn, bạn sẽ được trải nghiệm hệ thống phòng nghỉ tiện nghi, đẳng cấp cùng rất nhiều các tiện ích, dịch vụ đạt chuẩn 5 sao quốc tế.
Đầm Chuồn ở Huế là khu du lịch sinh thái cộng đồng đang thu hút rất nhiều du khách ghé thăm. Đến đầm, bạn sẽ có được những trải nghiệm cực kỳ mới mẻ trên vùng nước lợ rộng lớn. Đừng quên chụp cho mình những bức ảnh siêu đỉnh, ghé thăm ngôi làng ven đầm, tham gia lễ hội đặc sắc và trải nghiệm cuộc sống của một ngư dân thực thụ. Cùng bỏ túi bí kíp chinh phục đầm Chuồn ngay thôi nào!