Nội dung chính
Biệt điện Trần Lệ Xuân tọa lạc tại số 2 Yết Kiêu, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Khu biệt điện nằm tách biệt trên đồi Lam Sơn, được bao quanh bằng rừng thông bạt ngàn. Nơi này được khởi công từ năm 1958 trên diện tích 13.000m2. Với kiến trúc gồm 3 biệt thự rộng lớn, một khu vườn theo phong cách Nhật Bản và lưu giữ nguyên vẹn hơn 34.000 tấm mộc bản triều Nguyễn, biệt điện Trần Lệ Xuân đã trở thành điểm du lịch Đà Lạt nổi tiếng.
Biệt điện Trần Lệ Xuân (ảnh sưu tầm) |
Trần Lệ Xuân sinh năm 1924, là con gái của luật sư Trần Văn Chương. Năm 1943, lúc 19 tuổi, Trần Lệ Xuân lấy bằng Tú tài Pháp, dự định thi xong Tú tài II thì xin vào học ngành luật để nối nghiệp cha nhưng không thành vì gia đình quyết định gả bà cho Ngô Đình Nhu, hơn bà 14 tuổi (người này vốn là bạn của cha khi còn học ở Pháp). Bà Trần Lệ Xuân từng làm chủ tịch hoặc thủ lĩnh một số tổ chức lúc bấy giờ.
Có thể nói, những năm từ 1954 đến năm 1960 là thời kỳ cực thịnh của gia đình họ Ngô tại miền Nam. Năm 1958, bà cho xây dựng khu biệt điện tại Đà Lạt không chỉ rộng lớn, uy nghi về diện mạo mà còn độc đáo trong từng chi tiết, khiến nhiều người phải tò mò. Khu Biệt điện này nổi tiếng đến độ, sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (năm 1963), du khách mọi miền đổ xô về thành phố Đà Lạt để tham quan.
Khu biệt điện “Đệ nhất trời nam” một thời gồm 3 biệt thự với tên gọi: Bạch Ngọc, Lam Ngọc và Hồng Ngọc. Ba ngôi biệt thự này được kết nối với nhau bằng một vườn hoa được thiết kế theo phong cách Nhật Bản. Mỗi biệt thự được xây dựng với những mục đích khác nhau vô cùng tráng lệ, nguy nga, tượng trưng cho danh tiếng và quyền uy của chủ nhân.
Biệt thự Bạch Ngọc là nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và các tướng tá Sài Gòn. Trong số 3 biệt thự của khu biệt điện, Bạch Ngọc được coi là xa hoa, tráng lệ nhất với phòng họp, phòng làm việc, khiêu vũ, trang điểm… Ngôi biệt thự này có cầu thang nối dài và hồ nước ngoài trời, mặt tiền quay về đường Yết Kiêu.
Biệt thự Bạch Ngọc xa hoa, lộng lẫy (ảnh sưu tầm) |
Biệt thự Lam Ngọc là nơi nghỉ ngơi cuối tuần của gia đình bà Trần Lệ Xuân. Còn biệt thự Hồng Ngọc được bà xây tặng cho bố đẻ là Trần Văn Chương. Khi ấy, ông còn là Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kì.
Biệt thự Lam Ngọc – nơi nghỉ ngơi cuối tuần của gia đình Trần Lệ Xuân (ảnh sưu tầm) |
Phía sau biệt thự Lam Ngọc là vườn nhỏ do kĩ sư người Nhật Bản thiết kế. Trong khu vườn đó có một hồ nước đặc biêt, khi bơm nước đầy, hồ sẽ hiện ra bản đồ Việt Nam. Điều này góp phần đưa khu biệt điện trở thành điểm tham quan Đà Lạt hấp dẫn.
Dưới triều nhà Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, điều luật bắt buộc người dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, sự kiện lịch sử đang diễn ra trên đất nước…, triều đình đã khắc in nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp cho các nơi hoặc lưu hành trong dân gian. Tài liệu Mộc bản là bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra các sách.
Tấm mộc bản còn nguyên vẹn (ảnh sưu tầm) |
Trải qua bao biến cố, thăng trầm, khu biệt điện vẫn lưu giữ nguyên vẹn được một kho báu lịch sử với 34.555 tấm mộc bản triều Nguyễn. Vì vậy, biệt điện Trần Lệ Xuân đã trở thành cơ sở của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (trực thuộc Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước). Những tấm mộc bản này đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới (Memory of the World).
Hiện nay, khối tài liệu Mộc bản đã được in dập ra giấy dó, phân loại, hệ thống hóa, quét và ghi toàn bộ bản dập tài liệu Mộc bản vào đĩa CD-Rom để bảo hiểm và phục vụ cho mục đích tra cứu thông tin. Đặc biệt, nước ta đã xây dựng chương trình quản lý tài liệu Mộc bản vào máy vi tính. Như vậy, mọi người đều có thể tra cứu toàn bộ khối tài liệu này theo những tiêu chí khác nhau như vấn đề, tên tác giả, tác phẩm, niên lịch, mẫu tự… Ngoài ra, độc giả còn đọc được từng bộ sách, từng quyển sách, từ phần mô tả, phần dàn trang… cho tới một trang ảnh bất kỳ.
Trên đây là những thông tin cơ bản của khu biệt điện Trần Lệ Xuân, Vntrip hi vọng du khách sẽ có một chuyến tham quan tuyệt vời tại địa điểm du lịch Đà Lạt này. Đến đây, bạn không chỉ được ngắm cảnh, lưu lại những tấm ảnh làm kỉ niệm mà còn có thêm nhiều kiến thức bổ ích.
Xem thêm:
- Địa điểm du lịch Đà Lạt: Bí mật dinh Bảo Đại và điều kỳ bí về con số 13
- Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt có gì: đặc biệt & hấp dẫn
- Gợi ý 7 Resort Đà Lạt “đẹp như mơ” giữa thành phố ngàn hoa
Bình luận
Bài viết mới
Bài viết liên quan