Người từ Hà Nội đi du lịch Nha Trang chỉ cần khai báo y tế, nhưng đến Đà Nẵng nếu không có kết quả xét nghiệm âm tính phải cách ly 21 ngày.
Đi du lịch dịp hè này có bị yêu cầu cách ly hay xét nghiệm Covid-19 là thắc mắc của nhiều du khách Việt hiện nay và dưới đây là một số quy định của các tỉnh, thành trong việc quản lý người đến từ các địa phương trên cả nước. Các quy định được cập nhật cho tới ngày 15/6.
Hiện nay, tỉnh Hà Giang tạm dừng đón khách du lịch vào địa bàn tỉnh và dừng tiếp nhận người từ vùng dịch. Trong trường hợp cần thiết, người vào tỉnh phải có phiếu kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong vòng 5 ngày.
Tại Quảng Ninh, từ 12h ngày 8/6 các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở dịch vụ được mở cửa trở lại, nhưng chỉ đón du khách nội tỉnh. Người trở về tỉnh từ vùng IV (tâm dịch) phải thực hiện cách ly tập trung 21 ngày và xét nghiệm nCoV; vùng III (xã có dịch) tự cách ly 7 ngày tại nhà. Người về từ vùng II (huyện có dịch) và vùng I (tỉnh có dịch), các tỉnh khác thực hiện khai báo y tế đầy đủ.
Tại Đà Nẵng, những người đi đến và về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, người từng đến, về từ các ổ dịch trong vòng 28 ngày tính từ ngày ca bệnh cuối cùng của ổ dịch được ghi nhận, đều phải cách ly tập trung 21 ngày và trả toàn bộ chi phí. Những trường hợp về từ các địa phương có dịch, thuộc diện cách ly tại nhà khi đến Đà Nẵng phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ tính từ lúc lấy mẫu xét nghiệm.
Đà Nẵng cho phép mở lại hoạt động ăn, uống tại chỗ, tắm biển từ 9/6. Ảnh: Nguyễn Đông.
Tỉnh Quảng Nam hiện không tạm dừng các hoạt động tham quan, du lịch. Tỉnh yêu cầu cách ly tập trung 21 ngày và theo dõi tại nhà 7 ngày đối với người tiếp xúc gần các ca bệnh (F1) hay người từ các địa điểm, các mốc thời gian theo Thông báo khẩn của Bộ Y tế. Những người tiếp xúc với F1 (F2) hoặc đến từ các tỉnh, thành phố có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng phải thực hiện tự cách ly tại nơi lưu trú 14 ngày. Quy định ngày cũng áp dụng cho người từ các địa điểm, mốc thời gian theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (phần màu xanh).
Từ 11/6, tỉnh Khánh Hòa cho hoạt động trở lại một số hoạt động ngoài trời nhưng không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, các bãi biển tiếp tục dừng hoạt động trông giữ xe. Các quán ăn vỉa hè được bán mang về, các nhà hàng mở cửa thực hiện giãn cách tối thiểu 1 m.
Những người đến từ khu vực, địa điểm bị phong tỏa do có ca Covid-19 phải cách ly tập trung 21 ngày. Từ 7/6 người về từ TP HCM, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh (loại Đà Nẵng khỏi danh sách) sẽ cách ly tại nhà 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm nCoV ít nhất 2 lần. Những người đến từ các tỉnh, thành phố có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng phải khai báo y tế trực tiếp tại trạm y tế phường/xã/thị trấn nơi đến và thực hiện 5K.
Từ 1/6, tỉnh Bình Định tạm dừng hoạt động các quán ăn, uống vỉa hè (chỉ cho bán hàng mang về) và các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Trước đó từ 5/5, tỉnh quy định cách ly y tế tập trung hoặc tại nhà với những người đến hoặc về từ các vùng dịch (một số địa điểm cụ thể) của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… Những người đến từ vùng có dịch của TP HCM theo chỉ thị 16/CT-TTg phải cách ly tập trung 21 ngày; người từ các khu vực khác của thành phố cách ly tại nhà 14 ngày.
Quy Nhơn, Bình Định là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong dịp hè. Ảnh: Nguyễn Tiến Trình.
Từ 17h ngày 5/6, các chuyến bay dân dụng chở khách đến Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) tạm dừng, cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Tại Phú Quốc (Kiên Giang) các đường bay vẫn hoạt động, tuy nhiên người đến thành phố bằng đường hàng không phải có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong vòng 24 giờ. Nếu không, cơ quan chức năng địa phương tiến hành xét nghiệm và hành khách phải chịu thanh toán chi phí. Với đường biển, du khách thực hiện khai báo y tế theo quy định, quét mã QR tại các cầu cảng để thực hiện check-in khi đến Phú Quốc
Theo Lan Hương / Vnexpress du lịch
Bình luận
Bài viết mới
Bài viết liên quan