Vùng đất cố đô cuốn hút du khách bởi phong cảnh nên thơ, kiến trúc cổ kính và nhịp sống bình dị của người dân.
Các nữ sinh trong tà áo dài trắng, đạp xe chở đầy hoa phượng qua cầu Trường Tiền, gợi lên vẻ dịu dàng của người con gái Huế.
Cầu Trường Tiền là một trong những công trình biểu tượng của thành phố, bắc qua sông Hương. Người dân nơi đây quen với câu ca “Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp…”, nhưng chính xác cầu có sáu nhịp và 12 vài kết với nhau thành 6 cặp. Cầu có chiều dài hơn 400 m tính từ hai mố, nếu tính cả đường dẫn thì độ dài của Trường Tiền khoảng 453 m, lòng cầu rộng 6 m.
Sông Hương – núi Ngự như một cặp đôi đi liền nhau, cùng xuất hiện trong nhiều bài hát nổi tiếng. Dòng sông còn được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhắc đến trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, được đưa vào giảng dạy trong chương trình Sách Giáo khoa 12, một trích đoạn trong bút ký này được đưa vào đề Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Hai du khách nước ngoài dạo bước ngắm các tác phẩm điêu khắc tại Công viên 3-2. Nằm trên đường Lê Lợi với nhiều cây xanh, bóng mát và ghế đá, đây là nơi vui chơi giải trí của người dân thành phố nói riêng và du khách gần xa nói chung khi đến với Huế.
Hai phụ nữ trò chuyện tại công viên bên bờ sông Hương.
“Thật khó có thể dùng từ ngữ để diễn tả hết được vẻ đẹp trầm mặc và những điều bình dị nhất của vùng đất cố đô. Tôi sống và làm việc tại đây, dùng cảm xúc nhiếp ảnh để mang vẻ đẹp của vùng đất giới thiệu đến tất cả mọi người”, tác giả ảnh chia sẻ.
Du khách dạo bước trên tuyến đường bộ dọc bờ bắc sông Hương trong mùa cây thay lá. Người Huế xem sông Hương là dòng sông di sản, bởi vậy cảnh quan hai bên bờ sông luôn được chú trọng.
Tuyến đường bờ bắc trở thành điểm đi dạo, vui chơi, rèn luyện sức khỏe cho dân cư khu vực, đồng thời còn “kết nối” các điểm đến khác như công viên Phú Xuân, di tích Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, công viên Thương Bạc, cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba.
Xe cộ lặng lẽ trên đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Phú Hòa.
Huế bảo tồn những công trình kiến trúc và phong tục tập quán của Triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Ngoài những điểm du lịch tiêu biểu như Kinh thành, du khách còn có thể đi thăm các lăng tẩm của vua chúa.
Hai du khách dạo bước tham quan trong Lăng Khải Định. Lăng nằm ở triền núi Châu Chữ thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, là nơi an nghỉ của vua Khải Định (1885 – 1925). Lăng được khởi công xây dựng vào năm 1920, 11 năm sau mới hoàn thành với kiến trúc như ngày nay.
Hồ sen trắng nở rộ tại làng cổ Phước Tích. Nằm cách trung tâm thành phố Huế 35 km về hướng bắc. Làng nằm yên bình bên bờ sông Ô Lâu, địa phận giáp tỉnh Thừa Thiên – Huế và tỉnh Quảng Trị.
Với tuổi đời trên 500 năm và đã được xếp hạng di tích quốc gia, nơi đây nổi bật với hình ảnh đình làng, cây đa, bến nước, đồng ruộng và hồ sen trắng.
Du khách tạo dáng với lá phong đỏ trên Vườn quốc gia Bạch Mã, cách trung tâm TP Huế khoảng 40 km. Đây là khu rừng duy nhất ở Huế có phong lá đỏ. Trên núi Bạch Mã có điểm cao nhất là Vọng Hải Đài – 1.400 m so với mực nước biển.
Trong khuôn viên rừng có các biệt thự cổ kiến trúc Pháp và kề bên là những cây phong mọc tự nhiên với tuổi đời trên dưới 100 năm. Theo kiểm lâm, trong tiết trời mùa xuân những cây phong này mới chuyển sang màu đỏ, từ khoảng tháng 1 đến tháng 2, không như nhiều nơi khác thường có lá đỏ vào mùa thu.
Hai nữ công nhân công trình đô thị nghỉ giải lao trước chợ Đông Ba.
Chợ này nằm trên đường Trần Hưng Đạo, TP Huế, là chợ lớn nhất tỉnh, ra đời dưới thời vua Đồng Khánh (năm 1887). Xưa chợ nằm gần cửa Đông Ba, sau đó vua Thành Thái cho di dời về vị trí như hiện nay.
Thiếu nữ diện áo dài trắng trong hoạt cảnh thả Hoa đăng trên dòng Như Ý vào dịp Festival Huế. Những ước muốn của người già, người trẻ đều được gửi vào những cánh hoa đăng trôi nhẹ trên dòng sông, cầu mong no ấm, an lạc và luôn được hạnh phúc.
Vnexpress – Huỳnh Phương
Ảnh: Nguyễn Tấn Anh Phong
Bình luận
Bài viết mới
Bài viết liên quan