Giá:
Đến với mùa thu Sapa, du khách được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, dễ chịu và chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang vàng ươm màu lúa chín. Không chỉ vậy, bạn còn có cơ hội được thưởng thức những món ăn đặc sản thơm ngon mà “nàng thu” mang đến cho núi rừng Tây Bắc. Một trong số đó không thể không kể đến món mọc cốm Sapa – thức ngon được chắt chiu từ tinh hoa của thiên nhiên đất trời.
Vào thu, những thửa ruộng bậc thang trải dài khắp núi non Tây Bắc nhuộm một màu vàng ươm óng ánh trong nắng nhẹ. Sapa và những bản làng vào vụ gặt, bà con người Tày chọn nguyên liệu làm cốm từ giống nếp cái đã chắc hạt. Bông lúa chắt chiu tinh túy chuyển từ dạng nước sữa đặc quánh sang dạng bột, nhìn từ bên ngoài thì lúa đã bắt đầu ngả hơi vàng.
Muốn cho ra hạt cốm non thơm dẻo nhất thì phải thu hoạch lúc bông lúa còn xanh. Ngoài công đoạn chọn lúa thì công đoạn sấy cũng quyết định rất nhiều tới hương vị của cốm. Người Tày thường sấy thủ công bằng lò riêng sao cho vừa khô tới, không quá cháy. Sấy xong rồi thì họ sẽ đem giã bằng tay cho tới khi tách trấu, tấm và cám ra khỏi hạt cốm. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây thì hạt cốm đạt độ ngon hoàn hảo nhất khi dùng tay nắm lại kết thành khối còn khi thả ra thì nó tự bung thành từng hạt!
Từ nguyên liệu dân dã là cốm, người dân bản địa có thể làm ra rất nhiều món ăn ngon. Trong số đó thì mọc cốm là món được chế biến cầu kì và hấp dẫn hơn cả. Nó trở thành món đặc sản được nhiều người dân bản địa và cả khách du lịch xa gần yêu thích bởi hương vị thơm ngon đặc biệt.
Để làm ra món mọc cốm ngon đúng điệu, người dân Sapa sẽ chọn một con vịt béo rồi lấy phần thịt và da mỡ dày của nó, thái thành từng lát mỏng, dài. Các bộ phận còn lại của vịt sẽ đem băm nhuyễn rồi xào chín để làm phần nhân mọc. Sau đó người ta đem cốm rải đều thành một lớp vừa phải trên mặt lá dong, cho nhân vào giữa rồi dùng dây lạt buộc chặt để lát nữa mọc không bị bung ra. Công đoạn cuối cùng là đem gói mọc cốm đi hấp cách thủy cho tới khi cốm được dẻo và dính lại với nhau.
Mọc cốm sau khi được hấp cách thủy sẽ mang một mùi thơm đặc trưng, dân dã mà quyến rũ của núi rừng Tây Bắc. Chỉ ngửi thôi cũng đã đoán biết được độ ngon của mọc! Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo ngọt tự nhiên của từng hạt cốm hòa quyện với vị béo ngậy của thịt vịt. Tất cả tạo nên một món ăn độc nhất vô nhị của núi rừng Tây Bắc.
Sau khi làm xong mẻ mọc cốm, người dân Tày thường đem thành quả đi biếu hàng xóm, bạn bè. Đây là nét truyền thống đẹp đẽ của dân tộc thiểu số, làm tình làng xóm thêm gắn kết, bền chặt!
Bạn có thể tìm mua món mọc cốm Sapa ở chợ phiên Bắc Hà về làm quà cho gia đình, bạn bè của mình. Chắc chắn họ sẽ phải tấm tắc khen cho sự khéo chọn, chu đáo của bạn đấy!