Giá:
Đến nay, nhiều cụ già ở Vĩnh Tường cũng không còn nhớ bánh trùng mật mía có từ bao giờ mà chỉ nhớ là đã có từ rất lâu. Thứ bánh này được gọi là “anh em họ hàng” với bánh trôi, bánh chay mà chúng ta thường thấy vì có nguyên liệu, cách làm khá giống nhau. Chỉ khác nhau về phần kích cỡ và một số nguyên liệu khác để tạo nên hương vị riêng biệt cho bánh trùng mật mía.
Bánh trùng mật mía đã có từ lâu đời ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc)
Trước kia, món bánh này chỉ dành cho những gia đình khá giả. Những gia đình nghèo thì phải chờ đến dịp 10-10 âm lịch hoặc khi nào tới dịp Tết bánh trôi bánh chay thì mới làm và được thưởng thức. Bởi vậy, những người con đi xa xứ lâu ngày vẫn luôn da diết nhớ thương hương vị của món bánh trùng mật mía như một thức quà xa xỉ của tuổi thơ. Ngày nay món bánh trùng đã trở nên phổ biến hơn. Du khách ghé thăm vùng đất Vĩnh Tường có thể dễ dàng tìm kiếm và thưởng thức.
Nguyên liệu để làm nên bánh trùng mật mía Vĩnh Tường khá đơn giản. Người dân chỉ cần tận dụng những nguyên liệu dân dã, có sẵn tại quê nhà là đã có thể làm ra món bánh ngon nức lòng du khách.
Chọn gạo nếp ngon để bánh được dẻo bùi
Gạo nếp – thứ gạo được trồng nhiều thứ hai sau gạo tẻ ở nơi đây. Để bánh trùng mật mía dẻo bùi thì gạo nếp phải chọn giống gạo ngon, hạt to tròn đều, trắng, bề mặt căng bóng, nhẵn mịn và thơm ngon. Gạo nếp vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa mang lại độ dẻo dính, nên ngoài dùng để làm bánh trùng mật mía thì còn làm được nhiều thứ bánh khác.
Mật mía là nguyên liệu không thể thiếu. Mật mía là sản phẩm được làm ra từ cây mía. Mía sau khi ép lấy nước sẽ được mang đi cô đặc (nấu mật). Theo người dân nơi đây chia sẻ, để mật mía có độ thơm ngon, màu sắc bắt mắt thì khâu giữ lửa là vô cùng quan trọng. Mật mía ngon phải có màu nâu cánh gián, không bị cháy khét và mùi thơm vừa phải.
Ngoài gạo nếp, mật mía thì còn có thêm gừng tươi và vừng rang. Gừng tươi giúp món bánh có thêm mùi hương hấp dẫn, ăn vào ấm bụng. Vừng rang vàng ruộm, thơm nức được rắc lên trên vừa tăng thêm hương vị, vừa làm món bánh trở nên bắt mắt và hấp dẫn hơn.
Để làm được món bánh trùng mật mía thơm ngon phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề, sự khéo léo của người làm. Đầu tiên, gạo nếp sau khi được lựa chọn kỹ càng sẽ được đãi sạch, ngâm qua đêm với nước để bánh dẻo và mềm hơn. Sau đó, gạo được mang đi nghiền thành bột, rồi để cho ráo nước. Qua những bàn tay khéo léo của các chị, các mẹ hay thậm chí cả các em nhỏ, những chiếc bánh trùng mật mía được nặn ra, kích thước to hơn bánh trôi, bánh chay một chút.
Vo viên bánh trùng to hơn bánh chay
Khi bánh đã được nặn xong thì thực hiện đến khâu nấu nước mật mía. Để bánh ăn có độ ngọt vừa phải, người làm sẽ đổ một ít nước lọc và mật mía vào đun. Sau đó cho thêm gừng tươi thái sợi hoặc đập dập vào tạo nên mùi thơm đặc trưng, cuốn hút của món bánh. Khi nước mật mía đã sôi thì tiến hành thả từng viên bánh vào. Chú ý phải thả đều tay, không chồng chéo để tránh bánh bị dính vào nhau.
Khi nào thấy bánh chuyển từ màu trắng thành màu trong, nổi lên thì có nghĩa là bánh đã chín. Lúc này, bạn nên vớt bánh ra bát hoặc tắt lửa (nếu chưa ăn ngay), để tránh bị chín quá bánh sẽ bị nát.
Khi ăn bánh trùng, chỉ cần múc 3 đến 4 viên bánh cho vào bát nhỏ, rưới thêm nước mật mía và cuối cùng là rắc vừng rang lên trên. Cắn một miếng bánh, bạn có thể cảm nhận được mọi tinh hoa dường như được hội tụ đầy đủ trong món bánh dân dã này. Đó là, sự dẻo bùi của gạo nếp, vị ngọt nhẹ mát lành của mật mía, hương thơm lôi cuốn của gừng tươi và vừng rang.
Bánh trùng mật mía có thể ăn nóng hoặc ăn nguội đều có cái ngon riêng của nó. Vào mùa đông thì bánh thường được ăn nóng, vừa ngon vừa ấm người. Mùa hè ăn nguội lại cảm thấy vị thơm, ngọt và sảng khoái.
Cách làm bánh trùng mật mía tuy đơn giản, dễ làm nhưng cũng cần nắm những lưu ý quan trọng để tạo ra món bánh ngon và hấp dẫn:
Bột bánh vừa phải, không được cứng cũng không được nhão
Gạo nếp phải là loại gạo không có tạp chất hay lẫn với các loại gạo khác. Khi để bột ráo phải căn sao cho bột không được cứng cũng không được nhão quá. Nếu bột cứng có thể làm bánh ăn không mềm dẻo, còn nếu bột nhão thì khi luộc bánh sẽ bị vỡ, nát không bắt mắt. Khi nặn bánh xong thì phải thả vào nước mật mía đun sôi, không thả vào nước sôi già. Như vậy nước mật mía sẽ thấm vào bột bánh, giúp món ăn đậm vị ngọt hơn. Mật mía được dùng thường là mật của làng Tân An. Ở đây có làng nghề làm mật từ lâu đời. Mật mía Tân An đặc sánh, thơm lừng, màu sắc bắt mắt và các hạt mật bám chắc vào nhau. Vì thế, khi đun với nước sẽ tạo ra màu cánh gián và mùi thơm đặc biệt cho bánh.
Từ những nguyên liệu sẵn có, người dân Vĩnh Tường đã làm nên món bánh trùng mật mía thơm ngon nức tiếng, đi vào lòng người. Nếu có dịp ghé thăm Vĩnh Tường, du khách đừng quên dành thời gian thưởng thức món bánh mang đậm phong vị ẩm thực riêng có của vùng đất này.