Giá:
Thích Ca Phật Đài nằm trên một khuôn viên rộng 28ha ở sườn phía Bắc của Núi Lớn, tại địa chỉ 608 Trần Phú, Phường 5, Vũng Tàu. Nơi đây là một điểm tham quan du lịch tín ngưỡng nổi tiếng ở thành phố biển Vũng Tàu. Quần thể Thích Ca Phật Đài có thể tạm chia ra các khu vực: Những ngôi chùa và Khu vườn tượng Phật tích.
Thiền Lâm tự là ngôi chùa chính, nằm ngay phía cổng lớn của khuôn viên, hướng đường Trần Phú. Từ đường Trần Phú đi lên sườn núi, khuôn viên được chia làm 3 cấp khu vực. Tam quan và khu vườn hoa ở cấp bậc thấp nhất, cấp thứ hai gồm một số công trình phụ trợ, cấp thứ ba trên cao nhất gồm Thiền Lâm tự và khu vườn tượng Phật tích.
Tam quan Thích Ca Phật Đài trên đường Trần Phú
Qua khỏi Tam quan là một dãy bậc thang dẫn lên khu mặt bằng cấp 2 trên sườn đồi, sau một khoảnh sân nhỏ tiếp tục tới dãy bậc thang khá dốc dẫn thẳng lên chính điện Thiền Lâm tự - vị trí thấp nhất của mặt bằng cấp 3.
Lối lên chính điện Thiền Lâm tự từ khoảnh sân của khu mặt bằng cấp 2
Thiền Lâm tự là một ngôi chùa khá đơn sơ được xây dựng từ khoảng năm 1957, do một viên công chức người Việt trong chính quyền thực dân Pháp dựng nên để tu hành sau khi về hưu.
Mặt tiền chính điện được xây dựng và trang trí rất đơn giản
Nội điện Thiền Lâm tự cũng bài trí đơn giản
Ngoài Thiền Lâm tự, trong khuôn viên Thích Ca Phật Đài còn có một số ngôi chùa khác nữa, là chùa Hộ Pháp và chùa Hoa Sơn, đều nằm khu vực phía sau Tháp thờ Xá lợi và tượng Đức Phận nhập Niết bàn.
Chùa Hộ Pháp, nhìn từ Tháp thờ Xá lợi
Thiền đường Hộ Pháp được xây dựng từ năm 1970
Chùa Hộ Pháp vốn được xây dựng từ năm 1970, ban đầu mang tên Tịnh thất Thiện Huệ, đến năm 1972 được đổi thành Thiền đường Hộ Pháp. Còn ngôi chùa mới được hoàn thành vào năm 2004 ở vị trí kề bên của Thiền đường Hộ Pháp.
Nằm khá gần với chùa Hộ Pháp là ngôi chùa nhỏ xinh xắn Hoa Sơn, nhưng ở một vị trí cao hơn trên sườn núi, đi từ khu vực phía trước tượng Đức Phật nhập Niết bàn, lên một dãy bậc thang vài chục bậc mới tới cổng chùa Hoa Sơn
Bậc thang lên chùa Hòa Sơn và quang cảnh trước cổng chùa
Chùa Hoa Sơn được cố Hòa thượng Thích Huệ Chơn (1943 – 2019) khai mở từ năm 1969 – ban đầu chỉ là một am tranh đơn sơ – để tu tập, rồi dần về sau được xây dựng lên như hiện nay, cơ bản vẫn là một ngôi chùa nhỏ, đơn giản mà trang nhã.
Nội thất chùa Hoa Sơn phối trí đồ gỗ trang nhã
Phần rất quan trọng của quần thể Thích Ca Phật Đài là khu vườn tượng Phật tích, tái hiện lại các điểm nhấn chính trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Từ Thiền Lâm tự, qua một dãy bậc thang để đi lên khu quần thể vườn tượng Phật tích.
Sơ đồ Thích Ca Phật Đài
Tượng Bồ Tát đản sinh được đặt tại mặt bằng cùng cấp với chính điện Thiền Lâm tự, ngay cạnh lối bậc thang dẫn lên các cụm tượng phía trên. Tượng được thể hiện dưới hình tượng cậu bé đang chỉ một tay lên trời.
Tượng Bồ Tát đản sinh – giai đoạn bắt đầu cuộc đời Đức Phật
Cụm tượng Bồ Tát xuất gia và Voi, khỉ dâng hoa quả được nhìn thấy từ xa
Cụm tượng về giai đoạn cuộc dời tiếp theo của Đức Phật là cụm Bồ Tát xuất gia, được bố trí trên một sườn dốc cao bên trái con đường bậc thang dẫn từ Thiền Lâm tự lên, bên phải con đường này, dối diện với cụm tượng Bồ Tát xuất gia, là cụm tượng Voi, khỉ dâng hoa quả.
Cụm tượng Bồ Tát xuất gia thể hiện hình ảnh Đức Phật xuất gia, dưới hình tượng Thái tử Tất Đạt Đa đang xuống tóc, bên cạnh là người hầu và chú ngựa bạch Kiền Trắc.
Cụm tượng Thái tử Tất Đạt Đa đang xuống tóc xuất gia
Công trình quan trọng nhất của cả quần thể: Thích Ca Phật Đài – được dùng làm tên gọi cho cả quần thể kiến trúc này – thể hiện thời điểm Bồ Tát thành đạo.
Ngược thời gian trở lại thời điểm những năm 1940 của thế kỷ trước, một vị sư người Sri Lanka là Hòa thượng Narada Maha Thera trong một lần sang thuyết pháp ở Vũng Tàu đã gặp và quen với một vị công chức người Việt (về sau chính là người dựng chùa Thiền Lâm tự để tu tập). Đến năm 1960 ông lại trở lại Vũng Tàu và thường lưu lại chùa Thiền Lâm. Ông đã trồng tại đây một cây Bồ đề, được mang từ cố đô Anuradhapura của Sri Lanka (cây này được chiết ra từ cây gốc ở Bồ Đề đạo tràng – được cho là nơi Đức Phật giác ngộ), đồng thời ông nêu ra ý tưởng xây dựng ở đây một bảo tháp để thờ Xá lợi Phật.
Gốc Bồ đề được Hòa thượng Narada mang từ Sri Lanka sang trồng từ năm 1960
Ý tưởng xây dựng Tháp thờ Xá lợi của Hòa thượng Narada đưa ra liền được các Phật tử hưởng ứng, bên cạnh đó họ còn đề xuất xây dựng thêm Thích Ca Phật Đài – còn được gọi là tượng Kim thân Phật Tổ – và nhiều Phật tử đã chung tay đóng góp tài chính để xây dựng tượng này.
Bệ tượng có mặt bằng hình bát giác, cao 5.6 mét. Tượng Phật ngồi trên tòa sen cao 6 mét, được hoàn thành năm 1962 và trong thân tượng đặt 3 viên ngọc Xá lợi của Đức Phật.
Thích Ca Phật Đài, hay còn tên khác là tượng Kim thân Phật Tổ
Cụm tượng Đức Phật chuyển Pháp luân được đặt trong ngôi nhà bát giác, bài trí tượng Đức Phật chuyển Pháp luân ngồi trên tòa sen, năm anh em Kiều-Trần-Như ngồi nghe thuyết pháp tại vườn Lộc Uyển.
Tôn giả Kiều-Trần-Như là vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật chứng quả A-la-hán, thành viên đầu tiên của Tăng đoàn. Ông cùng các anh em của mình – được gọi là “năm anh em Kiều-Trần-Như” – là những người được Đức Phật thuyết pháp đầu tiên trong sự kiện chuyển Pháp luân của Phật giáo.
Vườn Lộc Uyển là một trong số các địa điểm linh thiêng của Phật giáo tại thành phố Sarnath, bang Uttar Prades, Ấn Độ - nơi được cho là Đức Phật Thích Ca đã giảng bài pháp đầu tiên (Kinh chuyển Pháp luân) cho những đệ tử đầu tiên (anh em Tôn giả Kiều-Trần-Như).
Cụm tượng Đức Phật chuyển Pháp luân được đặt trong nhà bát giác
Cụm tượng Voi và khỉ dâng hoa quả được đặt ở khu vực giữa cụm Bồ Tát xuất gia và cụm Đức Phật chuyển Pháp luân, cụm tượng này kể lại sự tích một con voi trắng và một con khỉ trắng vốn đều là chúa đàn của mình, về già không còn được đàn coi trọng nên chán nản tách ra tìm vào rừng sâu ẩn lánh, tình cờ gặp Đức Phật tu thiền, được Ngài cảm hóa mà vui mừng hoan hỉ tình nguyện phục vụ Đức Phật.
Cụm tượng Voi và khỉ dâng hoa quả
Tượng Đức Phật nhập Niết bàn được đặt ở vị trí cao nhất trong khu vườn tượng Phật tích. Từ khu vực các cụm tượng Đức Phật chuyển Pháp luân, Voi và khỉ dâng hoa quả gần đó, phải vượt qua một số bậc thang mới lên tới khu vực đặt tượng Đức Phật nhập Niết bàn. Từ phía sân trước của cụm tượng này có lối nhỏ dẫn lên chùa Hoa Sơn đã nói ở phần trước.
Tượng Đức Phật nằm quay về hướng Tây, dài hơn 12 mét, cao 2.4 mét, xung quanh bệ tượng bài trí tượng 9 vị Tỳ-kheo đứng chắp tay.
Cụm tượng Đức Phật nhập Niết bàn
Cụm kiến trúc cuối cùng trong khu vườn Phật tích là ngôi Tháp thờ Xá lợi Phật, đã được nhắc đến, khi Hòa thượng Narada đưa ra ý tưởng xây dựng từ năm 1960. Sau một thời gian vận động quyên góp, ngày 4/6/1961 diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên để xây tháp; lễ khởi công xây dựng chính thức được tiến hành vào ngày 20/7/1961. Công trình được hoàn thiện việc xây dựng vào ngày 30/1/1962, và lễ khánh thành được tiến hành hơn 1 năm sau đó, ngày 10/3/1963.
Tháp thờ Xá lợi Phật
Tháp thờ Xá lợi cao 17 mét, tiết diện thân tháp hình bát giác vuốt nhỏ dần lên cao, trên đỉnh đắp hình búp sen. Bên trong thân tháp có đặt 13 viên Xá lợi Đức Phật do Hòa thượng Narada cúng dường.
Bốn chiếc đỉnh chứa đất được thỉnh về từ 4 thánh địa Phật giáo
Bốn phía dưới chân Bảo tháp đặt 4 chiếc đỉnh, trong đó chứa đất được thỉnh về từ 4 thánh địa Phật giáo:
Không gian Thích Ca Phật Đài xanh mát, u nhã dưới tán rừng trên sườn Núi Lớn – dù dưới đường Trần Phú xe cộ ngược xuôi đống đúc – khiến cho việc phải vượt những bậc thang cao, dốc cũng không khiến cho những du khách lớn tuổi thấy mệt nhọc.
Trước đây, tại Thích Ca Phật Đài có bán vé cho du khách tham quan, nhưng từ năm 2001 việc bán vẽ được bãi bỏ, quần thể kiến trúc Phật giáo đặc sắc này mở cửa tự do với Phật tử và du khách đến tham quan.