Giá: 0
Địa chỉ: xã Thủy Bằng huyện Hương Thuỷ, Huế
Thời gian tham quan: 07:00AM –17:30PM
Giá vé: 75.000 VND/ lượt đối với người lớn và 15.000 VND/ lượt đối với trẻ em từ 7 -12 tuổi
Lăng Khải Định ở Huế là một trong những lăng tẩm đẹp nhất và là công trình kiến trúc cuối cùng của triều Nguyễn. Với vẻ đẹp đầy tính nghệ thuật, mang nhiều trường phái kiến trúc ngoại quốc khác nhau đã làm cho lăng Khải Định trở nên rất độc đáo. Cùng tham quan lăng Khải Định để biết công trình này có những gì nhé!
Lăng Khải Định, hay còn được gọi là Ứng Lăng, nằm ở Xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế. Lăng được xây dựng trên triền núi Châu Chữ - đã được vua Khải Định đổi tên thành Ứng Sơn sau khi chọn đây làm nơi xây dựng lăng của mình.
Check - in tại Lăng Khải Định, Huế
Lối kiến trúc ở lăng Khải Định là sự kết hợp hoàn hảo giữa phong cách Á - Âu, giữa cổ điển và hiện đại còn tồn tại đến ngày nay. Qua gần 1 thế kỷ, nơi đây vẫn mang trong mình những giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa được đánh giá cao về một thời kỳ giao thoa văn hóa Việt Nam với các nước phương Tây. Vì vậy mà khi du lịch Huế, khách du lịch không thể bỏ qua điểm đến này.
Với vẻ đẹp mang đầy tính nghệ thuật, lăng Khải Định đã thu hút rất nhiều du khách tới đây mỗi năm để tham quan, tìm hiểu. Khi dạo quanh lăng, bạn sẽ có cơ hội khám phá, chiêm ngưỡng một số công trình sau:
Cổng Tam quan là lối dẫn vào để tham quan lăng Khải Định, nằm ở tầng thứ nhất. Lăng Khải Định gồm có 127 bậc thang. Để đến được cổng Tam quan, bạn sẽ phải đi qua 37 bậc thang trong đó. Rất nhiều khách du lịch đến đây chọn cổng này là vị trí check - in đầu tiên.
Các tượng binh lính và cận thần ở Lăng Khải Định
Để có thể đặt chân đến Nghi Môn và sân Bái Đính, bạn sẽ phải đi thêm 29 bậc nữa kể từ cổng Tam Quan. Bước vào Nghi Môn và sân Bái Đính của Lăng Khải Định, du khách sẽ thấy các tượng cận thần và binh lính được xếp thành bốn hàng đối xứng nhau như đang tái hiện lại cảnh chầu của triều đình dưới thời vua Khải Định khi còn sống. Điểm đặc biệt là mỗi bức tượng đều được trạm trổ những họa tiết vô cùng tinh xảo, thể hiện rõ văn hóa, phong tục của quan lại và con người Việt xưa từ 1916 đến 1925.
Tiếp tục đi lên trên đến tầng thứ 5 cũng là tầng cao nhất trong lăng du khách sẽ bước vào Cung Thiên Định - kiến trúc chính của lăng. Đây là nơi chôn cất thi thể của vua Khải Định và là nơi có thiết kế đặc sắc nhất với 5 phần liền nhau gồm có: hai bên là Tả, Hữu Trực phòng, điện Khải Thành, và ở chính giữa là Bửu Tán, pho tượng nhà vua với phần mộ nằm bên dưới. Cung Thiên Định mang phong cách vừa truyền thống pha lẫn hiện đại với nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo được lồng ghép vô cùng tinh tế. Đặc biệt, cả cung Thiên Định được trang trí bởi các miếng khảm làm từ sành sứ và thủy tinh được nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản.
Vua Khải Định đươc biết đến là một người không quan tâm lắm đến việc triều chính nhưng lại là một người rất quan tâm và yêu nghệ thuật, nhất là những cái đẹp đến từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới, vậy nên Lăng Khải Định cũng thể hiện rõ tính cách và sở thích của ông. Trên ba tầng nhà, bức họa “Cửu Long Ẩn Vân” - một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của Ứng Lăng, đã được ghép lại vô cùng tinh xảo bởi các nghệ nhân lành nghề nhất lúc đó với chất liệu chính là sành sứ và đá hiếm.
Cung Thiên Định, Lăng Khải Định
Chiếc Bửu Tán nằm ở chính giữa Cung Thiên Định với những đường cong uốn lượn mềm mại khiến du khách ai cũng phải trầm trồ vì khi biết được nó nặng gần 1 tấn. Nằm ở bên dưới đó chính là pho tượng đồng được điêu khắc với tỷ lệ 1:1 tại Pháp tạo nên những nét giao thoa văn hóa vô cùng độc đáo. Lăng Khái Định là lăng tẩm phá cách, không đi theo một lối kiến trúc thiết kế nào trước đó mà là sự pha trộn của nhiều trường phái kiến trúc khác nhau như Ấn Độ, Roman...
Điện Khải Thành là nơi đặt án thờ của vua Khải Định. Án thờ này được làm từ bê tông và sơn màu đồng. Bên dưới điện Khải Thành là nơi đặt thi hài vua, bên trên là tượng đồng vua Khải Định
Khoảng cách từ trung tâm thành phố Huế đến lăng Khải Định là 9km nên việc đi lại khá thuận tiện. Di chuyển qua Khải Định là cung đường nhanh nhất. Bạn sẽ đi về hướng tây lên Hà Nội về phía đường Ngô Quyền. Từ đó, theo hướng đường Điện Biên Phủ và Minh Mạng sẽ đến được lăng Khải Định. Thời gian di chuyển mất khoảng 20 phút nếu tình trạng giao thông diễn ra thuận lợi.
Bạn đừng quên bỏ túi cho mình một vài kinh nghiệm để chuyến du lịch Huế vui vẻ và trọn vẹn hơn nhé!
- Lăng Khải Định là một nơi thiêng liêng và tôn nghiêm nên khi đến đây du khách cần mặc đồ kín đáo và dài, không mặc đồ hở hang như quần đùi, áo hai dây… vì sẽ là hành động thiếu tôn trọng với vị vua đã khuất
- Thời điểm thích hợp nhất để ghé thăm Lăng Khải Định là tháng 1 đến tháng 2 hằng năm vì thời tiết lúc này khá mát mẻ và dễ chịu, thích hợp cho các hoạt động tham quan, vãn cảnh.